Ghép giác mạc nhập khẩu cứu đôi mắt người đàn ông mù lòa

Theo Báo VnExpress, anh Duy, 46 tuổi, bị sẹo đục sau viêm loét giác mạc nên mất thị lực nhiều năm, nay được ghép giác mạc từ nguồn nhập khẩu.

Anh Duy đăng ký ghép giác mạc, song hai năm qua không có nguồn hiến phù hợp. Lần này anh đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khám, PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Trung tâm Mắt Công nghệ cao, chẩn đoán sẹo giác mạc diện rộng, mống mắt thoái hóa và có nhiều dải xơ dính vào mặt sau của giác mạc. Sẹo gây đục giác mạc, che khuất tầm nhìn khiến anh Duy mù bên mắt trái. Biện pháp duy nhất để hồi thị lực cho bệnh nhân là ghép giác mạc thay thế, theo PGS Hiệp.

Trung tâm có nguồn giác mạc nhập khẩu phù hợp, hai tuần sau anh Duy được phẫu thuật ghép. Theo dõi hậu phẫu trong hai tuần, anh Duy không có dấu hiệu đào thải giác mạc, được xuất viện. Hiện, sau hai tháng, thị lực của anh đã khôi phục.

PGS Hiệp thực hiện ghép giác mạc. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
PGS Hiệp thực hiện ghép giác mạc.

Ước tính khoảng 300.000 người Việt cần ghép giác mạc do các bệnh về mắt như chấn thương, loạn dưỡng, viêm loét hoặc các bệnh lý bẩm sinh. Nguồn giác mạc đều từ người hiến chết não, tuy nhiên tỷ lệ hiến rất thấp. ''Nguồn mô trong nước gần như không đủ đáp ứng nhu cầu ghép", bác sĩ Hiệp nói, thêm rằng nhiều người không được ghép giác mạc phải chịu cảnh mù lòa hoặc phải bỏ nhãn cầu.

Từ năm ngoái, Trung tâm Mắt Công nghệ cao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hợp tác với một số ngân hàng mô trong nước và quốc tế để tiếp cận nhiều nguồn cung cấp giác mạc đạt chuẩn, tìm lại ánh sáng cho các bệnh nhân cần ghép sớm. Mô từ nước ngoài được vận chuyển trong điều kiện bảo quản lạnh chuyên dụng, đảm bảo thông số sinh học như độ trong, độ dày, mật độ tế bào nội mô, về tới Trung tâm Tế bào gốc của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp tục được đánh giá lại trước khi ghép cho bệnh nhân phù hợp.

"Đây là nguồn mô có chi phí, song vẫn thấp hơn nhiều so với chi phí ra nước ngoài điều trị, quan trọng nhất là rút ngắn thời gian chờ ghép cho người bệnh", bác sĩ Hiệp nói thêm rằng thay thế giác mạc từ nguồn nhập khẩu phù hợp với các chỉ định ghép toàn bộ giác mạc (ghép xuyên) hoặc chỉ ghép từng lớp (ghép nội mô hoặc ghép lớp nông).

PGS Hiệp tái khám sau ghép giác mạc cho anh Duy. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
PGS Hiệp tái khám sau ghép giác mạc cho anh Duy.

Giác mạc không chứa mạch máu nên nguy cơ thải ghép thấp hơn nhiều so với các cơ quan khác như thận hay gan. Tuy nhiên, sau phẫu thuật người bệnh vẫn cần được kiểm soát chặt chẽ, theo dõi định kỳ trong ít nhất hai năm đầu tiên sau phẫu thuật. Nhiều người ghép giác mạc tại nước ngoài, chi phí di chuyển để tái khám sau đó trở thành gánh nặng nên đã trì hoãn, tăng nguy cơ biến chứng trong quá trình chăm sóc hậu phẫu.

Sau 33 năm triển khai hiến ghép tạng, đến nay Việt Nam thực hiện hơn 9.500 ca ghép, chủ yếu là thận, gan, giác mạc, tim... Nguồn tạng chủ yếu từ người hiến chết não, tạng từ người thân còn sống. Tuy nhiên, nguồn tạng hiến rất hạn chế, nhất là nguồn từ người cho chết não. Hai năm qua, số ca chết não hiến tạng tăng mạnh hơn, giúp hồi sinh nhiều cuộc đời. Trong hơn hai tháng đầu năm cả nước có 21 ca hiến tạng sau chết não, trong khi nguyên năm 2024 có 41 trường hợp.


Tin liên quan

Tin mới