TP HCM phát hiện hàng trăm vụ vi phạm thuốc, thực phẩm chức năng

Theo Báo VnExpress, TP HCM phát hiện 178 vụ vi phạm về thuốc tân dược, 38 vụ liên quan thực phẩm chức năng, tạm giữ hàng trăm nghìn sản phẩm và xử phạt hàng tỷ đồng từ đầu năm ngoái đến nay.

Thông tin được ông Nguyễn Quang Huy, Phó chi cục trưởng Quản lý thị trường TP HCM, nói tại hội thảo về ngăn chặn thuốc giả do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 26/5. Riêng năm 2024 và 5 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 262.000 sản phẩm thuốc tân dược vi phạm, trị giá hơn 15,4 tỷ đồng, đồng thời xử phạt hơn 2,2 tỷ đồng. 4 vụ có dấu hiệu tội phạm đã được chuyển cho cơ quan điều tra.

Ở mảng thực phẩm chức năng, sau 38 vụ phát hiện sai phạm, nhà chức trách đã tạm giữ hơn 18.000 sản phẩm, tổng trị giá hơn 835 triệu đồng và xử phạt hơn 786 triệu đồng. Các con số này tăng so với các năm trước.

Ngoài ra, lực lượng chức năng phối hợp cùng công an kiểm tra 4 vụ liên quan thuốc, thu giữ hơn 35.000 hộp, trị giá gần 15 tỷ đồng. Ông Huy cho biết các hành vi vi phạm phổ biến gồm buôn bán hàng lậu, không rõ nguồn gốc, không niêm yết giá, giả mạo nhãn hiệu...

ThS Nguyễn Thị Trúc Vân, Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM. Ảnh: Duy Anh
ThS Nguyễn Thị Trúc Vân, Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM. 

Tương tự, thạc sĩ Nguyễn Thị Trúc Vân, Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM, cho rằng số lượng thuốc giả bị phát hiện cũng đang tăng nhanh. Năm 2022 phát hiện 5 mẫu, năm 2023 là 12, đến 2024 - số này tăng vọt lên 40, trong đó 25 mẫu không chứa dược chất và 15 mẫu thuốc dược liệu bị pha trộn tân dược.

Mỗi năm, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM đều ghi nhận các trường hợp thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, tức không đáp ứng tiêu chuẩn đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể, năm 2022 có 10 mẫu không đạt chuẩn, năm 2023 là 20 mẫu và năm 2024 giảm xuống còn 12 (chiếm phần lớn là dược liệu, vị thuốc cổ truyền).

"Nguồn cung cấp mẫu kiểm nghiệm đến từ nhiều kênh như cơ quan công an, trung tâm kiểm nghiệm tuyến tỉnh, bệnh viện và cả người dân", bà Vân chia sẻ.

Trên toàn quốc năm 2023, lực lượng chức năng phát hiện hơn 160 vụ sản xuất, buôn bán thuốc giả, xử lý nhiều đối tượng. Năm 2024, có 27 loại thuốc bị đình chỉ lưu hành do không đạt chất lượng, trong đó 8 loại xác định là thuốc giả.

Lãnh đạo Chi Cục Quản lý thị trường TP HCM nhận định, nhiều vụ vi phạm sử dụng thủ đoạn hợp thức hóa bằng danh nghĩa "hàng xách tay" để tiêu thụ thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, chất lượng. Một chiêu trò nguy hiểm là trộn thuốc thật với thuốc giả khi bán ra, nhằm tạo lòng tin cho người mua và qua mặt lực lượng kiểm tra.

Một số trường hợp tự đặt tên thuốc, công ty sản xuất "ảo" đặt ở nước ngoài như Malaysia, Singapore, sau đó quảng cáo là "hàng xách tay" trên mạng xã hội, giới thiệu dưới danh nghĩa nhân viên hoặc dược sĩ của công ty dược.

Ngoài ra, còn có tình trạng ghi nhãn không đúng. Nhiều sản phẩm dù được quảng cáo là "sữa" hoặc "thuốc" nhưng thực chất tên gọi theo công bố và ghi nhãn sản phẩm lại là "thực phẩm bảo vệ sức khỏe", "thực phẩm bổ sung", "sản phẩm dinh dưỡng công thức", hoặc "thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt". Việc này gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm để sử dụng.

Bên cạnh yếu tố trên, nhiều lỗ hổng pháp luật còn tồn tại khiến thuốc, thực phẩm chức năng giả bán tràn lan. Trong cuộc họp hồi cuối tháng 4, bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho rằng có một số quy định pháp luật chưa thực sự chặt chẽ, tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng.

Ví dụ, theo quy định, doanh nghiệp được quyền tự công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trao quyền cho doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, trừ 4 nhóm được kiểm soát chặt (gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi). Tuy nhiên, quy định này tạo nên lỗ hổng pháp lý để các nghi can lợi dụng sản xuất hàng giả đưa ra thị trường.

Trong khi đó, cơ chế hậu kiểm còn chồng chéo giữa các bộ ngành và địa phương, dẫn đến sự buông lỏng trong kiểm soát chất lượng. Lực lượng hậu kiểm và kinh phí thực hiện nhiệm vụ này còn mỏng, thiếu, dẫn đến các vụ việc bị phát hiện, xử lý chưa tương xứng.

Một loại viên nang thuốc giả chứa thành phần giảm đau bị lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh: Lam Sơn
Một loại viên nang thuốc giả chứa thành phần giảm đau bị lực lượng chức năng phát hiện.

Trong bối cảnh số vụ vi phạm gia tăng, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe, uy tín, thương hiệu đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo lập tổ công tác đặc biệt và mở đợt cao điểm truy quét buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, không rõ xuất xứ, từ 15/5 đến 15/6. Tuần trước, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự, đề xuất tăng gấp đôi mức phạt bổ sung đối với hành vi sản xuất, bán lương thực và thực phẩm giả.

Theo ông Huy, Chi Cục Quản lý thị trường TP HCM đã yêu cầu các đội tăng cường kiểm tra, đẩy mạnh phối hợp liên ngành, duy trì số điện thoại công khai để tiếp nhận phản ánh của người dân. Thuốc và thực phẩm chức năng là mặt hàng trọng tâm trong kế hoạch kiểm tra.

Ông cũng kiến nghị tăng mức xử phạt, bổ sung các quy định còn thiếu, khuyến khích ứng dụng công nghệ như mã QR, tem chống giả điện tử để quản lý hàng hóa. Người dân nên mua thuốc ở nơi có phép, rõ nguồn gốc, kiểm tra kỹ thông tin bao bì và không mua qua mạng xã hội hoặc tin vào quảng cáo "thần dược".

Còn đại diện Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM kiến nghị cần cơ chế giải quyết khó khăn trong lấy mẫu, bởi hiện chưa có quy định và hướng dẫn rõ ràng cho việc lấy mẫu trên nền tảng thương mại điện tử, dẫn đến vướng mắc trong việc niêm phong và lập biên bản đúng quy trình.

Bên cạnh đó, việc thanh toán mua mẫu từ ngân sách nhà nước cũng gặp trở ngại do các quy định chặt chẽ về hóa đơn, chuyển khoản và đấu thầu theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Luật Đấu thầu. Ngoài ra, chất chuẩn dùng trong kiểm nghiệm - nhất là với thuốc thuộc danh mục kiểm soát đặc biệt (gây nghiện, hướng thần, tiền chất) hoặc thuốc biệt dược gốc - thường không có sẵn, giá cao và thiếu nhà cung cấp đáng tin cậy, cần được tháo gỡ.


Tin liên quan

Tin mới