Sốt xuất huyết tấn công cơ thể thế nào

Theo Báo VnExpress, Virus Dengue tấn công vào các tế bào của hệ miễn dịch, gây phản ứng viêm lan rộng, rối loạn chức năng sinh lý dẫn tới bệnh trở nặng.

BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên trong bối cảnh số ca mắc sốt xuất huyết tăng, sắp vào cao điểm khi mùa mưa đến. Tại TP HCM, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 134% so với cùng kỳ năm 2024, Hà Nội cũng tăng cường giám sát ca bệnh.

Giải thích về cơ chế gây bệnh, bác sĩ Chính cho biết virus Dengue ẩn mình trong các tế bào miễn dịch như đại thực bào, bạch cầu đơn nhân để sinh sôi. Những tế bào này sẽ đưa virus đi khắp cơ thể, lan rộng qua hệ bạch huyết và máu.

Bác sĩ điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai
Bác sĩ điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết nặng.

Hệ miễn dịch phản ứng mạnh mẽ với virus bằng cách giải phóng cytokine. Tuy nhiên, việc giải phóng quá nhiều chất này tạo ra "cơn bão cytokine", gây tổn thương cùng lúc nhiều cơ quan. Hệ tuần hoàn và mạch máu chịu tác động mạnh nhất bởi virus làm tăng tính thấm của thành mạch, rò rỉ huyết tương ra khỏi lòng mạch. Lúc này thể tích máu tuần hoàn giảm, máu trong mạch cô đặc hơn, làm tăng nguy cơ đông máu, tắc nghẽn. Cơ thể không đủ máu để cung cấp oxy và dưỡng chất đến các cơ quan, gây ra sốc sốt xuất huyết và suy đa cơ quan.

Virus còn làm ức chế chức năng tủy xương, giảm khả năng sinh sản tiểu cầu. Trong khi đó, tiểu cầu đóng vai trò chính trong việc cầm máu. Người bệnh dễ gặp hiện tượng xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chân răng, xuất huyết tiêu hóa và nội tạng.

Ở gan, virus Dengue tổn thương tế bào gan, gây viêm gan cấp, tăng men gan, ảnh hưởng chức năng sản xuất yếu tố đông máu của gan. Việc này cũng khiến tình trạng rối loạn đông máu trầm trọng hơn. Bệnh còn dẫn đến tình trạng suy thận cấp, biểu hiện qua tiểu ít, tiểu ra đạm, máu hoặc thậm chí không có nước tiểu. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong nếu không được lọc máu kịp thời.

"Những biến chứng này có thể xảy ra ở cả những bệnh nhân khỏe mạnh, không có bệnh nền, vì vậy người có triệu chứng bệnh sốt xuất huyết được khuyến cáo khám tại cơ sở y tế", bác sĩ Chính nói.

Hiện sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị giảm nhẹ triệu chứng. Trường hợp mắc sốt xuất huyết nhẹ, bệnh nhân có thể được chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn.

Bác sĩ Chính lưu ý sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: sốt, nguy hiểm và hồi phục. Ngày thứ 3 đến ngày thứ 5, ở giai đoạn hạ sốt hoặc hết sốt, người bệnh có nguy cơ trở nặng, cần theo dõi sát sao. Bệnh nhân cần đến cơ sở y tế ngay nếu có dấu hiệu bất thường như đau bụng dữ dội, nôn liên tục, chảy máu lợi, chân răng, nôn ra máu, đi cầu phân đen, tay chân lạnh, chảy máu âm đạo không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt...

Trẻ em tiêm vaccine sốt xuất huyết tại Trung tâm tiêm chủng VNVC. Ảnh: Diệu Thuần
Trẻ em tiêm vaccine sốt xuất huyết tại Trung tâm tiêm chủng VNVC

Để giảm mắc bệnh và gặp biến chứng do virus Dengue tấn công, bác sĩ Chính khuyến cáo người dân cần chú ý chủ động phòng ngừa bệnh. Mỗi gia đình nên loại bỏ, đậy kín hoặc chú ý diệt bọ gậy trong dụng cụ chứa nước. Khu vực bụi rậm, có nhiều các mảnh vỡ chén bát, vỏ dừa, lốp xe... cần được loại bỏ.

Gia đình sử dụng bình xịt, nhang hoặc kem để xua, chống muỗi; mặc quần áo dài tay, ngủ màn kể cả ban ngày. Quần áo đã sử dụng có mồ hôi nên giặt ngay, không tích tụ nhiều để tránh muỗi trú ngụ.

Bệnh sốt xuất huyết hiện có thể phòng ngừa nhờ vaccine. Mũi tiêm chỉ định cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn. Hiệu quả bảo vệ của vaccine hơn 80% và ngăn ngừa nhập viện hơn 90%. Lịch tiêm hai liều cách nhau ba tháng. Người mắc sốt xuất huyết lần sau có nguy cơ trở nặng hơn nên vẫn cần tiêm phòng để ngăn ngừa tái nhiễm.

 


Tin liên quan

Tin mới