Cha mẹ phải biết 5 tác hại nghiêm trọng của đồ uống có đường đối với trẻ em

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, sự hiện diện khắp mọi nơi của các sản phẩm đồ uống có đường, từ tủ lạnh trong nhà đến cổng trường, quán xá đang âm thầm “cuốn” trẻ em vào vòng xoáy tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật. Vậy đồ uống có đường gây hại gì cho sức khỏe của trẻ?

1. Lý do trẻ em yêu thích đồ uống có đường

Có nhiều lý do khiến trẻ em đặc biệt yêu thích đồ uống có đường. Sản phẩm đồ uống có đường thường có hương vị đa dạng, màu sắc bắt mắt, đặc biệt uống các loại nước có gas mang lại cảm giác sảng khoái hơn nhiều so với nước lọc.

Đường, đặc biệt là đường đơn trong đồ uống có đường, khi được tiêu thụ sẽ kích thích giải phóng dopamine - một chất dẫn truyền thần kinh trong não, tạo ra cảm giác vui vẻ, hưng phấn và dễ chịu. Cảm giác tức thì này khiến trẻ muốn lặp lại hành vi uống đồ ngọt, dần dần tạo thành một thói quen và thậm chí là phụ thuộc.

Các nhà sản xuất đồ uống có đường thường đầu tư rất lớn vào việc quảng cáo nhắm đến đối tượng trẻ em với hình ảnh bắt mắt, nhân vật hoạt hình yêu thích, các chương trình khuyến mãi để thu hút sự chú ý của trẻ.

Đồ uống có đường có mặt ở khắp mọi nơi, từ cửa hàng tạp hóa, siêu thị đến các bữa tiệc... Ngoài ra, nếu trong gia đình có thói quen mua và tiêu thụ đồ uống có đường, trẻ sẽ dễ dàng bắt chước và hình thành thói quen tương tự. Cha mẹ đôi khi cũng vô tình dùng nước ngọt như một phần thưởng cho trẻ khi chúng ngoan ngoãn hay đạt được thành tích nào đó.

Cha mẹ phải biết 5 tác hại nghiêm trọng của đồ uống có đường đối với trẻ em- Ảnh 1.

Đồ uống có đường rất hấp dẫn trẻ em. Ảnh minh họa.

2. Những tác hại nghiêm trọng của đồ uống có đường đối với sức khỏe trẻ em

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồ uống có đường như nước ngọt, nước tăng lực, trà đóng chai… được nhiều người liên tục tiêu thụ hằng ngày. Việc này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Đường có chứa năng lượng nhưng hầu như không có chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ em. Thường xuyên uống đồ uống có đường làm tăng nguy cơ sức khỏe đáng lo ngại bao gồm thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm.

Tăng nguy cơ thừa cân và béo phì

Đồ uống có đường chứa nhiều calo rỗng, không cung cấp vitamin, khoáng chất hay chất xơ cần thiết. Trẻ dễ dàng tiêu thụ một lượng lớn calo từ đồ uống mà không cảm thấy no dẫn đến việc ăn thêm các thức ăn khác và tích lũy năng lượng dư thừa. Đó chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam ngày càng tăng trong những năm gần đây.

Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2

Tiêu thụ quá nhiều đường làm tăng đột ngột lượng đường trong máu, gây áp lực lên tuyến tụy (cơ quan sản xuất insulin). Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin và tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.

Gây sâu răng và các vấn đề về răng miệng

Đường là thức ăn cho vi khuẩn trong miệng, tạo ra acid gây xói mòn men răng, dẫn đến sâu răng và làm hỏng men răng.

Theo BS. Nguyễn Trung Nghĩa, chuyên khoa Răng Hàm Mặt, BV Việt Nam-Cu Ba, khi trẻ ăn các loại thức ăn, đồ uống chứa nhiều đường, đặc biệt là thức ăn nhanh, bánh kẹo, nước ngọt có gas... Mức độ cao của đường và tinh bột trong những thực phẩm này làm tăng lượng acid trong miệng. Những chất này làm mòn men răng và làm tăng nguy cơ sâu răng và các bệnh về nướu.

Gây thiếu hụt dinh dưỡng

Khi trẻ uống nhiều đồ uống có đường, chúng có thể cảm thấy no và giảm cảm giác thèm ăn các thực phẩm lành mạnh khác như rau, trái cây, sữa… Điều này dẫn đến thiếu hụt các vitamin, khoáng chất và chất xơ cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

Ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần

Đường kích thích giải phóng dopamine trong não, tạo cảm giác vui vẻ nhưng cũng dễ gây nghiện. Một số nghiên cứu còn cho thấy mối liên hệ giữa tiêu thụ đồ uống có đường và các vấn đề về hành vi hay các vấn đề về giấc ngủ ở trẻ em. Caffeine trong một số đồ uống có đường như nước tăng lực có thể gây đau đầu, bồn chồn và khó ngủ ở trẻ em.

Cha mẹ phải biết 5 tác hại nghiêm trọng của đồ uống có đường đối với trẻ em- Ảnh 3.

Nước trái cây và rau củ không đường tốt cho sức khỏe.

3. Một số đồ uống lành mạnh tốt cho sức khỏe 

Nước lọc

Luôn ưu tiên nước lọc là thức uống chính cho trẻ và tạo thói quen cho trẻ uống nước đều đặn. Cha mẹ nên chuẩn bị sẵn nước lọc trong nhà, để nước ở nơi dễ thấy, dễ lấy. Có thể thêm vài lát trái cây tươi như cam, chanh, dưa chuột, dâu tây hoặc lá bạc hà vào nước để tạo hương vị hấp dẫn và khuyến khích trẻ uống nhiều hơn.

Sữa tươi, sữa hạt không đường

Sữa là nguồn cung cấp canxi, protein và nhiều vitamin, khoáng chất quan trọng khác cho sự phát triển xương và cơ bắp của trẻ. Nên ưu tiên sữa tươi không đường và các loại sữa hạt như sữa hạnh nhân, sữa óc chó, sữa đậu nành, sữa yến mạch không đường (có bổ sung canxi, vitamin D) nếu trẻ không dung nạp lactose hoặc bị dị ứng sữa bò.

Nước trái cây, rau củ tươi không thêm đường

Nước trái cây, rau củ tươi giúp bổ sung vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Bản thân trái cây, rau củ đã chứa một lượng đường và vị ngọt nhất định nên không cần thêm đường vào nước ép. Cha mẹ nên chế biến các loại nước trái cây tươi như nước cam, chanh, táo, lê, dưa hấu… nguyên chất và không thêm đường.

Tuy nhiên cần lưu ý, uống quá nhiều nước ép trái cây sẽ cung cấp cho cơ thể nhiều calo và đường gây tăng cân, do đó chỉ nên uống một cốc vừa phải mỗi ngày. Có thể pha loãng với nước lọc để giảm nồng độ đường tự nhiên và khuyến khích trẻ uống nhiều nước hơn.


Tin liên quan

Tin mới