Bệnh tay chân miệng vào mùa, giải pháp nào ‘kìm hãm’?

Theo báo Sức khỏe và Đời sống, bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng, nhiều trường hợp biến chứng nặng. Tuy nhiên, đến nay bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Hiện nay, vaccine được xem là giải pháp tối ưu nhất để kiểm soát dịch bệnh.

Sáng ngày 22/5, Viện Pasteur TPHCM tổ chức Hội thảo "Phát triển và ứng dụng vaccine EV71: Tăng cường đáp ứng y tế công cộng với bệnh tay chân miệng".

PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM - cho biết, theo thống kê từ hệ thống giám sát dịch bệnh của Bộ Y tế, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã ghi nhận hơn 15.000 ca tay chân miệng. Riêng TPHCM ghi nhận 6.711 ca tay chân miệng. Đáng chú ý, có tới 93% là trẻ từ 1 - 5 tuổi, đây là nhóm tuổi dễ bị tổn thương nhất do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, tuần 20 (từ 12 – 18/5), TPHCM ghi nhận 916 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 40,1% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao là quận Bình Tân, huyện Nhà Bè và Quận 11.

ThS.BS Lương Chấn Quang - Trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TPHCM chia sẻ tại hội thảo.

Bác sĩ Phan Thị Ngọc Quyên, Viện Pasteur TPHCM cho biết: "Nhiều năm số ca tay chân miệng lên tới hàng trăm nghìn ca, riêng khu vực phía Nam chiếm 60 - 80% tổng số ca mắc. Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, có khả năng tử vong nhanh nếu không phát hiện và xử lý kịp. Bệnh lưu hành quanh năm, đặc biệt tăng cao vào tháng 4 - 6 và 9 - 10. Các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp ghi nhận tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cao nhất khu vực phía Nam năm 2024".

Theo bác sĩ Quyên, trong những năm qua, các chủng virus gây bệnh tay chân miệng xuất hiện song hành với nhau, tuy nhiên, nếu năm nào có sự xuất hiện của chủng EV71 thì số ca mắc nặng gia tăng.

Đồng tình với nhận định này, TS.BS Lê Nguyễn Thanh Nhàn - Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho hay, thực tế tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy, trong số các ca bệnh nặng, có khoảng 70% là do chủng virus EV71 gây ra. Mỗi lần có ca bệnh tay chân miệng nặng đều ghi nhận sự xuất hiện của chủng virus EV71.

Năm nay, số ca bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng và hiện đang là thời điểm mùa bệnh tay chân miệng. 

Trong sáng 22/5, Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho 30 ca bệnh tay chân miệng nội trú, trong đó có 3 trường hợp đang thở máy.

Bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. 

"Dù chưa thực hiện xét nghiệm nhưng chúng tôi nghi ngờ 3 trường hợp nặng này do chủng virus EV71 gây ra", bác sĩ Nhàn dự đoán.

Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM Nguyễn Vũ Trung cho rằng, bệnh tay chân miệng đang là vấn đề y tế công cộng đáng quan tâm bởi đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với trẻ em dưới 5 tuổi. 

Hàng năm trên cả nước có hàng chục đến hàng trăm ngàn trẻ mắc tay chân miệng, có nhiều trường hợp gây biến chứng nặng nè, thậm chí tử vong. Từ trước đến nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là giữ gìn vệ sinh. 

Do đó, nhu cầu nghiên cứu vaccine phòng bệnh hết sức quan trọng và cấp thiết. Những năm qua, Viện Pasteur TPHCM đã phối hợp tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vaccine EV71 phòng bệnh tay chân miệng do chủng virus EV71 gây ra.

ThS.BS Lương Chấn Quang - Trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TPHCM cho biết, trải qua thời gian thử nghiệm vaccine EV71 trên 3.993 trẻ (từ 2 tháng - dưới 6 tuổi) tại các cơ sở y tế ở Việt Nam, mỗi trẻ được tiêm 2 mũi vaccine cách nhau 28 ngày. Sau đó theo dõi sức khỏe trong suốt 1 năm ghi nhận, có 557 trẻ được lấy máu nhiều lần để kiểm tra khả năng tạo ra kháng thể là khả năng miễn dịch sau tiêm.

"Kết quả cho thấy vaccine giúp tạo kháng thể mạnh và duy trì bền vững ít nhất trong 1 năm. Hiệu quả của việc tiêm vaccine lớn tới 99.21%. Những trẻ đã tiêm vaccine chỉ gặp triệu chứng nhẹ, không cần nhập viện", Trưởng Khoa Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật - Viện Pasteur TPHCM nhận định.


Tin liên quan

Tin mới