7 tác dụng phụ của melatonin trị mất ngủ, dùng thế nào cho an toàn?

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, thuốc bổ sung melatonin được sử dụng rộng rãi như một chất hỗ trợ giấc ngủ. Mặc dù thường được coi là an toàn, nhưng dùng quá nhiều melatonin có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn...

1. Một số tác dụng phụ của melatonin

Dưới đây là một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng melatonin:

1.1 Melatonin có thể gây đau đầu

Mặc dù nhẹ, đau đầu là một trong những tác dụng phụ thường gặp nhất khi sử dụng melatonin. Đau đầu có thể tăng nặng khi dùng liều cao hơn hoặc hơn 10 mg mỗi ngày.

1.2 Buồn ngủ vào ban ngày

Buồn ngủ vào ban ngày là một trong những tác dụng phụ phổ biến hơn có thể xảy ra khi sử dụng thuốc bổ sung melatonin. Đối với những người dùng liều cao hơn khuyến cáo (hơn 10 mg) sẽ có nhiều khả năng cảm thấy buồn ngủ hoặc uể oải vào ngày hôm sau.

Ngoài ra, dùng melatonin với một số loại thuốc điều trị chứng mất ngủ như ambien (zolpidem) có thể gây buồn ngủ quá mức.

7 tác dụng phụ của melatonin trị mất ngủ, dùng thế nào cho an toàn?- Ảnh 1.

Mặc dù melatonin thường được coi là an toàn, nhưng dùng quá nhiều có thể dẫn đến các tác dụng phụ.

1.3 Chóng mặt

Chóng mặt cũng là một tác dụng phụ thường được báo cáo khi dùng thuốc bổ sung melatonin. Các nghiên cứu cho thấy melatonin có thể làm giảm huyết áp có thể khiến huyết áp giảm quá thấp nếu dùng chung với thuốc hạ huyết áp, có thể gây chóng mặt.

1.4 Buồn nôn

Mặc dù nhẹ nhưng buồn nôn cũng là một tác dụng phụ tiềm ẩn khác của việc dùng thuốc bổ sung melatonin. Buồn nôn cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang dùng quá liều. Tuy nhiên, dấu hiệu này cũng có thể là do các nguyên nhân khác như tình trạng sức khỏe hoặc bệnh tật, các loại thuốc đang dùng hoặc chế độ ăn uống...

1.5 Ác mộng

Người dùng melatonin đôi khi báo cáo gặp ác mộng thường xuyên hơn. Thuốc bổ sung melatonin có thể làm tăng thời gian dành cho giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM) - đây là giai đoạn ngủ liên quan đến những giấc mơ hoặc ác mộng. Thời gian dành nhiều hơn cho chu kỳ ngủ này có nghĩa là những giấc mơ thường xuyên hoặc dữ dội hơn.

Tuy nhiên, những yếu tố khác cũng có thể gây tình trạng này, chẳng hạn như căng thẳng hoặc dùng một số loại thuốc nhất định.

1.6 Thay đổi nhịp tim

Có những báo cáo về tình trạng thay đổi nhịp tim hoặc co thắt thất sớm (một loại nhịp tim không đều bắt đầu từ các buồng tim dưới) khi sử dụng melatonin với liều lượng từ 1-8 mg. Nguy cơ tác dụng phụ tăng lên khi bổ sung vượt quá liều khuyến cáo, tuy nhiên chúng cũng có thể xảy ra ngay cả ở liều tiêu chuẩn.

1.7 Tác dụng phụ dài hạn

Hầu hết các nghiên cứu về melatonin đều tập trung vào tác dụng ngắn hạn. Tuy nhiên, một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc sử dụng melatonin lâu dài được báo cáo là có liên quan đến nguy cơ gãy xương cao hơn.

Ở trẻ em, việc bổ sung melatonin có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nội tiết tố, bao gồm dậy thì và chu kỳ kinh nguyệt, hoặc sản xuất quá nhiều prolactin (một loại hormone chịu trách nhiệm cho việc tiết sữa, phát triển ngực và các chức năng khác trong cơ thể). Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu dài hạn hơn.

7 tác dụng phụ của melatonin trị mất ngủ, dùng thế nào cho an toàn?- Ảnh 2.

Melatonin có khả năng tương tác với một số loại thuốc.

2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ tác dụng phụ

- Uống quá nhiều melatonin: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng dùng hơn 10 mg mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ. Các chuyên gia thường khuyên dùng liều chuẩn từ 0,5-5 mg melatonin, tùy theo độ tuổi.

Một số nghiên cứu cho thấy liều từ 1-6 mg có hiệu quả trong việc cải thiện giấc ngủ ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, một phân tích tổng hợp gần đây cho thấy thời điểm và liều dùng tối ưu cho người lớn là 4 mg mỗi ngày, uống trước khi đi ngủ ba giờ. Không có lợi ích gì khi dùng quá 5 mg và còn làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ.

- Tương tác thuốc: Melatonin có khả năng tương tác với một số loại thuốc.

Dưới đây là những loại thuốc cần lưu ý:

+ Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI): SSRI có thể làm tăng nồng độ melatonin trong huyết thanh.

+ Thuốc chẹn kênh canxi nifedipine: Melatonin làm giảm hiệu quả của nifedipine.

+ Warfarin: Dùng melatonin với warfarin làm tăng thời gian prothrombin và tỷ lệ chuẩn hóa quốc tế (INR). Đây là hai xét nghiệm máu được theo dõi khi dùng warfarin. Tăng chảy máu đã được báo cáo ở những người dùng cả melatonin và warfarin.

+ Thuốc điều trị bệnh đái tháo đường: Melatonin có thể làm giảm lượng đường trong máu. Uống melatonin cùng với thuốc điều trị đái tháo đường có thể khiến lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp.

- Thuốc an thần: Dùng melatonin với thuốc an thần có thể gây buồn ngủ, khó thở.

- Thuốc tránh thai: Dùng melatonin cùng với thuốc tránh thai đường uống có thể làm tăng tác dụng và tác dụng phụ của melatonin.

3. Ai không nên dùng melatonin?

Melatonin thường được coi là an toàn khi sử dụng trong thời gian ngắn ở người lớn ngoại trừ những người có một số tình trạng hoặc bệnh lý, bao gồm:

- Người đang mang thai hoặc cho con bú: Không có đủ dữ liệu về tính an toàn của melatonin trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú, vì vậy tốt nhất là nên tránh sử dụng.

- Rối loạn chảy máu: Melatonin có thể tương tác với các loại thuốc thường được kê đơn để điều trị rối loạn chảy máu.

- Các vấn đề về thận hoặc gan: Các tình trạng này khiến melatonin có thể không được chuyển hóa hiệu quả, có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ.

- Trầm cảm: Melatonin có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trầm cảm và có thể tương tác với thuốc.

- Các vấn đề về miễn dịch: Melatonin có thể tăng cường chức năng miễn dịch. Bất kỳ ai mắc chứng rối loạn tự miễn dịch hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch (người được ghép tạng) nên thảo luận về việc sử dụng melatonin với bác sĩ. Melatonin có thể ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của thuốc ức chế miễn dịch.

Người lớn tuổi mắc chứng mất trí nhớ: Những rủi ro tiềm ẩn về an toàn khi dùng melatonin nếu bạn mắc chứng mất trí nhớ lớn hơn lợi ích.


Tin mới