1 người Việt dùng 70 lít đồ uống có đường/năm, cách nào ngăn chặn tác hại?

Thường xuyên dùng đồ uống có đường đối mặt với nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim, đột quỵ và ung thư. Đáng lo ngại, mức tiêu thụ loại đồ uống này ở Việt Nam đang tăng nhanh, trung bình mỗi người uống 70 lít/năm.

WHO khuyến nghị áp thuế đối với đồ uống có đường nhằm làm tăng giá thành, từ đó giảm tiêu dùng, giảm gánh nặng bệnh tật do đồ uống có đường gây ra.

Mắc nhiều bệnh tật nếu tiêu thụ quá mức đồ uống có đường

Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, Tiến sĩ Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, tỷ lệ người mắc bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam đang cao, và tình trạng thừa cân béo phì cũng gia tăng nhanh chóng: từ 15,6% năm 2015 lên 19,6% năm 2021. Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên (từ 5–19 tuổi) đã tăng gấp hơn 2 lần: từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020.

Có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy những người thường xuyên dùng đồ uống có đường phải đối mặt với mức tăng cao nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim, đột quỵ và ung thư. Thói quen này cũng có liên quan đến tăng cân, béo phì ở trẻ em và người lớn, là những yếu tố nguy cơ chính gây ra nhiều bệnh, đặc biệt là không tốt cho sức khỏe trẻ em.

Trong khi đó, điều đáng nói là mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam đã tăng nhanh trong 15 năm qua. Năm 2023, người dân Việt Nam uống đồ uống có đường gấp 4 lần so với năm 2009. Cũng trong năm 2023, trung bình mỗi người ở Việt Nam uống gần 70 lít đồ uống có đường mỗi năm – hoặc 1,3 lít mỗi tuần, tăng nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Tiến sĩ Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.

Áp thuế với đồ uống có đường – Giải pháp hiệu quả tại nhiều quốc gia

Trước những tác hại của đồ uống có đường với sức khỏe, hiện trên thế giới đã có khoảng 110 quốc gia đánh thuế đồ uống có đường. "Kinh nghiệm cho thấy đây là giải pháp cùng thắng – vừa giúp cải thiện sức khỏe và giảm chi phí y tế, vừa tăng nguồn thu cho ngân sách chính phủ" – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam chia sẻ.

Tiến sĩ Angela Pratt nhấn mạnh, WHO khuyến nghị áp thuế đối với đồ uống có đường nhằm làm tăng giá thành, từ đó giảm tiêu dùng. Biện pháp này đặc biệt hiệu quả trong việc thay đổi thói quen của trẻ em và thanh thiếu niên, những người bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi giá cả.

WHO cũng khuyến nghị nâng cao nhận thức của cộng đồng. Ví dụ, không nhiều người biết rằng một lon 330 ml nước ngọt có ga có thể chứa tới 10 thìa cà phê hoặc 40 gam đường.

"Thuế đối với đồ uống có đường và nâng cao nhận thức của cộng đồng về chế độ ăn uống lành mạnh – cùng với các biện pháp khác để giảm các yếu tố nguy cơ như hút thuốc và uống rượu – rất phù hợp với mục tiêu giảm gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm của Việt Nam" - Tiến sĩ Angela Pratt nói.

WHO khuyến nghị áp thuế đối với đồ uống có đường nhằm làm tăng giá thành, từ đó giảm tiêu dùng.

Khi nào Việt Nam nên áp thuế đồ uống có đường?

Theo đánh giá của Tiến sĩ Angela Pratt, hiện nay là thời điểm rất phù hợp – Quốc hội đang xem xét sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, đây là cơ hội hoàn hảo để đưa vào thuế với đồ uống có đường. Nếu không có hành động can thiệp, xu hướng tiêu thụ đồ uống có đường sẽ còn tiếp tục tăng, kéo theo ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn, gia đình, xã hội và nền kinh tế.

"Ở một số quốc gia, chúng tôi thấy ngành công nghiệp muốn chặn hoặc trì hoãn thuế, với các lập luận rằng nó sẽ gây ra tổn thất kinh tế. Nhưng bằng chứng từ các quốc gia khác cho thấy điều này không đúng. Trên thực tế, người tiêu dùng chuyển sang các loại đồ uống khác, tốt cho sức khỏe hơn. Các nhà sản xuất thông minh cải tiến sản phẩm của họ để phù hợp với nhu cầu mới. Vì vậy, WHO kêu gọi những nhà hoạch định chính sách cần ra quyết định hành động ngay bây giờ" – Trưởng đại diện của WHO nhấn mạnh.

Hiện Dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã đưa nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam vào danh mục chịu thuế, dự kiến khoảng 10%. Bộ Tài chính đã trình lộ trình giãn thời gian áp dụng 8% năm 2027 và 10% từ năm 2028.

WHO, Bộ Y tế cũng đề xuất mức thuế cần đạt 40% mới đảm bảo hạn chế tiêu dùng bảo vệ sức khỏe; và cần có lộ trình tăng thuế phù hợp tránh gây sốc với doanh nghiệp. Bộ Y tế thống nhất phương án mức thuế áp dụng 8% năm 2027 và 10% năm 2028. Tuy nhiên, cần xem xét lộ trình mở rộng phạm vi, đối tượng áp thuế và tăng thuế suất theo khuyến cáo của WHO.


Tin liên quan

Tin mới