Ngày càng nhiều bạn trẻ, thậm chí là cả những người trưởng thành đều có thể rơi vào cạm bẫy của nghiện ngập. Do đó, việc truyền thông phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo, điều hành cũng như các chính sách hỗ trợ người sử dụng ma tuý là vô cùng cần thiết.
Chính phủ và các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm phòng ngừa và kiểm soát tình trạng nghiện ma tuý. Một trong những văn bản quan trọng đó là Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi liên quan đến ma tuý.
Ngoài ra, còn có các nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể đã được ban hành như Nghị định 94/2010/NĐ-CP ban hành Quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng hay tại nghị định 116/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Những văn bản này không chỉ quy định các biện pháp phòng ngừa mà còn quy định về những chính sách hỗ trợ cho người nghiện ma túy, nhằm giúp họ có thể sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Nhóm người có nguy cơ cao
Một trong những đối tượng cần được chú ý đặc biệt đó là thanh niên, người lao động di cư và những người có hoàn cảnh khó khăn sống trong một môi trường "độc hại". Vì vậy cần thiết kế các chương trình truyền thông để tiếp cận những nhóm người này để cung cấp thông tin về nguy cơ và cách phòng ngừa nghiện ma túy.
Ngoài ra, cần phải có các hoạt động giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống ma túy tại các trường học, khu dân cư nhằm nâng cao nhận thức cho giới về tác hại của ma túy đối với sức khỏe của con người và xã hội.
Chính sách hỗ trợ người sử dụng ma túy
Để giảm thiểu tác động tiêu cực của ma túy đối với con người, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho người sử dụng ma túy và nhóm người có nguy cơ cao về chương trình điều trị nghiện ma túy bằng Methadone. Chương trình này đã được áp dụng tại nhiều tỉnh, thành phố giúp người nghiện có nhiều cơ hội điều trị và phục hồi về sức khỏe.
Các trung tâm cai nghiện và chương trình hỗ trợ tâm lý, xã hội cũng được thiết lập nhằm giúp người sử dụng ma túy tìm lại bản thân và có cơ hội việc làm, hòa nhập với cộng đồng. Người sau cai nghiện được vay vốn tạo việc làm, khi tham gia đào tạo nghề được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo theo quy định của pháp luật về đào tạo nghề ngắn hạn. Chính sách này không chỉ điều trị thể chất mà còn chú trọng đến việc phục hồi tâm lý cho người bệnh.
Vai trò của truyền thông
Truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phổ biến thông tin về cách chính sách hỗ trợ liên quan đến phòng, chống ma túy. Hiện nay người dân có thể tiếp cận được thông tin qua các phương tiện truyền thông đại chúng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Các chương trình truyền hình, bài viết trên báo chí và các chiến dịch truyền thông xã hội đều có thể hỗ trợ nâng cao nhận thức hơn về các biện pháp phòng ngừa, chống sử dụng ma túy.
Việc tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý và cộng đồng cũng là một cách hiệu quả để tiếp cận được với người dân giúp tăng cường sự hiểu biết về các vấn nạn liên quan đến ma túy. Đồng thời, các hoạt động này cũng tạo cơ hội nhằm cho người dân chia sẻ kinh nghiệm và nêu lên các khó khăn đề xuất giải pháp.