Liên tiếp trường hợp nhập viện
Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Quân đội) vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ (44 tuổi) vào cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi nhiều, tức ngực, khó thở, tình trạng bệnh xuất hiện sau khi bệnh nhân được tiêm thuốc tê (Lidocain) để tiêm filler (chất làm đầy) mũi tại một cơ sở thẩm mỹ "chui".
Tại đây, các bác sĩ đã kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn thấy huyết áp tụt thấp, độ bão hòa ô xy máu không đảm bảo. Ngay lập tức bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi phản vệ độ III với Lidocain và được xử trí đồng thời theo cả hai phác đồ phản vệ và ngộ độc với thuốc tê, sử dụng vận mạch adrenalin và nhũ tương lipid 20% cùng các biện pháp hồi sức cấp cứu khác.
Sau khi tình trạng tạm ổn định, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc, Trung tâm Hồi sức (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) để tiếp tục theo dõi và điều trị. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân tiến triển nặng tổn thương đa cơ quan (hô hấp, cơ tim, gan, rối loạn đông máu), phải kết hợp nhiều thuốc vận mạch với liều cao tăng dần, nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân đã được hồi sức tích cực, thông khí nhân tạo xâm nhập, siêu lọc máu liên tục kết hợp với thuốc vận mạch và nhũ tương lipid 20%. Hiện, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, các cơ quan tổn thương đã hồi phục và được xuất viện sau 7 ngày điều trị.
BSCKI Nguyễn Tiến Sơn - Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết: "Trường hợp kể trên, bệnh nhân may mắn được cấp cứu đúng cách, kịp thời và tích cực nên tránh được những hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, người dân khi có nhu cầu làm đẹp nên lựa chọn các cơ sở thẩm mỹ uy tín được cấp phép của bộ y tế và có đội ngũ bác sĩ chuyên ngành gây mê - hồi sức nhiều kinh nghiệm, và cần phải tự trang bị cho bản thân các kiến thức cơ bản về các dấu hiệu của phản vệ với thuốc tê".
Nguy cơ tai biến cao
Các cơ sở y tế thời gian gần đây ghi nhận rất nhiều trường hợp tai biến thẩm mỹ do hậu quả của những spa "chui", hầu hết do tâm lý ham giá rẻ, tin vào những lời chèo kéo trên mạng để rồi "tiền mất tật mang". Ghi nhận tại các bệnh viện cho thấy, trong các bệnh nhân vào viện với biến chứng sau làm đẹp, biến chứng do tiêm filler chiếm số lượng tương đối lớn. Khi người tiêm filler không phải là bác sĩ chuyên khoa, không có kiến thức về tạo hình thẩm mỹ và nhất lại chỉ là nhân viên spa tiêm filler thì nguy cơ dẫn đến biến chứng là rất cao.
Mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng đã tiếp nhận trường hợp chị N.C.T. (31 tuổi, Quảng Nam) đến viện trong tình trạng áp xe vú hai bên do tiêm filler ngực.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết, người bệnh đến viện trong tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc, khám lâm sàng tuyến vú thấy nhiều khối u cục kích thước to nhỏ khác nhau ở toàn bộ tuyến vú 2 bên. Tuy nhiên, kết quả siêu âm thông thường không cho thấy hình ảnh rõ ràng vị trí của các khối này, chính vì vậy các bác sĩ đã phải chỉ định chụp phim cộng hưởng từ MRI 3.0 Breast Coil chuyên dụng.
Trên phim chụp này, các bác sĩ đã xác định rất nhiều khối trong ngực có hình dạng như các cục "u filler" tạo thành nhiều lớp, rải rác khắp ngực cả trong tuyến vú và nguy hiểm hơn là rất nhiều vị trí trong cơ ngực lớn.
Người bệnh được chẩn đoán là áp xe ngực với các khối u filler khắp nơi nguy cơ cao do tiêm filler nâng ngực và chọc hút filler làm cho vi khuẩn ở bên ngoài đưa vào cơ thể. Biểu hiện sốt rét run của chị T. báo hiệu các khối áp xe sắp có nguy cơ vỡ nếu vào phổi sẽ gây nguy hiểm tính mạng.
Các chuyên gia khuyến cáo, để đảm bảo an toàn, người dân nên tìm đến cơ sở y tế uy tín. Người tiêm filler phải là bác sĩ được đào tạo và có kiến thức đầy đủ về giải phẫu, tạo hình thẩm mỹ, có chứng chỉ hành nghề. Bên cạnh đó, cần chọn sản phẩm tiêm filler có nguồn gốc, kiểm chứng độ an toàn, tinh khiết. Sau khi tiêm cần được theo dõi và được xử trí kịp thời để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Trong trường hợp không may xảy ra tai biến khi làm đẹp, cần cố gắng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị hiện đại với quy trình cấp cứu phối hợp đa chuyên khoa hoàn chỉnh, để có thể cấp cứu cho người bệnh một cách hiệu quả nhất.
"
Theo BS Nguyễn Anh Tuấn - Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108): Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng. Phản vệ trong khi gây mê, gây tê phẫu thuật thường khó chẩn đoán vì người bệnh đã được gây mê, an thần và các triệu chứng ngoài da có thể không xuất hiện nên không đánh giá được các dấu hiệu chủ quan. Vì vậy, cần phải khai thác kỹ tiền sử dị ứng trước khi tiến hành gây tê, gây mê phẫu thuật và đánh giá kỹ các triệu chứng như tụt huyết áp, nồng độ ô xy máu giảm, mạch nhanh, ran rít mới xuất hiện, biến đổi trên monitor.
Theo Đại Đoàn Kết