Bệnh lưu hành quanh năm
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh cúm mùa do chủng cúm A (H1N1), hay còn gọi là chủng cúm lợn - là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan qua hắt hơi, ho khạc và tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm virus, sau đó làm lây nhiễm qua đường mũi họng. Ngoài chủng virus cúm A (H1N1), các chủng virus cúm chủ yếu khác gây bệnh cúm mùa bao gồm A (H3N2), cúm B và cúm C.
Bệnh cúm mùa lưu hành ở mọi nơi trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 1 tỷ trường hợp mắc cúm, bao gồm 3 - 5 triệu ca bệnh nặng, khoảng 290.000 - 650.000 ca tử vong.
Tại Việt Nam, hàng năm vẫn ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa, số mắc ghi nhận quanh năm. Hệ thống giám sát trọng điểm viêm phổi cấp do virus tại Việt Nam vẫn ghi nhận các trường hợp mắc, với khoảng 10% số mẫu bệnh nhân cúm dương tính với chủng cúm A (H1N1).
Bệnh cúm mùa thường diễn biến nhẹ, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Trong tháng 10, nước ta đã ghi nhận trường hợp tử vong nhiễm virus cúm A (H1N1) ở bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền tại tỉnh Bình Định. Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, nhất là bệnh cúm mùa.
Nguy cơ chuyển thành ác tính
Theo BSCKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống Tiêm chủng VNVC, cúm mùa thường lưu hành quanh năm, nhưng thường tập trung vào một thời điểm nhất định tùy thuộc theo khu vực địa lý. Nhiều nghiên cứu cho rằng, virus cúm lây lan trong không khí một cách dễ dàng, đặc biệt là ở điều kiện độ ẩm và nhiệt độ thấp. Vì vậy, dịch cúm mùa có xu hướng lan rộng vào mùa đông và xuân. Đỉnh điểm của mùa cúm tại Việt Nam có thể rơi vào tháng 3 - 4 hoặc 9 - 10 hàng năm và thường tạm lắng vào mùa hè.
BS Chính khuyến cáo, vào thời điểm xuất hiện dịch cúm mùa, người dân cần đề phòng biểu hiện của bệnh cúm ác tính. Các bệnh cúm ác tính có thể gây tổn thương phổi nhanh, thường trong khoảng 3 - 5 ngày, thậm chí dẫn tới tử vong. Các biểu hiện cúm ác tính khá giống với cúm thông thường, nhưng có thể gây tổn thương phủ tạng. Do đó, mọi người không nên chủ quan với cúm, đặc biệt là vào thời điểm dịch bùng phát.
"Cúm có thể dễ chuyển biến thành ác tính ở người bệnh mắc các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, suy thận hay nhóm có hệ miễn dịch yếu như trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai. Cúm cũng có thể diễn tiến thành ác tính ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch" -BS Chính nói.
Bệnh cúm thông thường có thể tự khỏi sau 5 - 7 ngày mà không cần sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, người bệnh có thể điều trị các triệu chứng của cúm mùa bằng một số loại thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân cúm mùa không thuộc nhóm nguy cơ cao cần được điều trị triệu chứng thì không cần dùng thuốc. Bệnh nhân chỉ cần tập trung điều trị làm giảm các triệu chứng.
Bệnh nhân bị cúm nặng hoặc có nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng cần được điều trị bằng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt. Các loại thuốc kháng virus có tác dụng làm giảm triệu chứng, rút ngắn thời gian mắc bệnh và ngăn ngừa các biến chứng của cúm.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp như: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
Đặc biệt, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Tiêm vaccine phòng cúm mùa phòng bệnh. Người dân cũng cần thực hiện lối sống lành mạnh, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm. Tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà, cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.