Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là bệnh thường gặp do tình trạng mạch nuôi của dây thần kinh bị co thắt dẫn đến thiếu máu cục bộ, phù nề, chèn ép vào dây thần kinh trong ống fallop. 80% các trường hợp nhập viện điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên đều có nguyên nhân chủ yếu do nhiễm lạnh hoặc thay đổi thời tiết đột ngột sang lạnh.
Tuy nhiên, liệt dây thần kinh số 7 cũng là triệu chứng của nhiều bệnh lý sọ não khác (chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, u não, u dây thần kinh…). Do đó, khi có triệu chứng này, người bệnh nên đến khám ở các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa Thần kinh và phương tiện chụp để loại trừ những nguyên nhân thực thể.
Triệu chứng điển hình của liệt dây thần kinh số 7 như đột ngột thấy hai bên mặt mất cân đối, nửa mặt bên liệt bất động, mất hoặc mờ nếp nhăn trán; Mắt bên liệt nhắm không kín, mờ rãnh mũi - má, miệng méo sang bên không liệt, góc mép miệng bị xệ xuống; Chảy dãi hoặc nước một góc miệng, thức ăn hay đọng lại ở má bên liệt, người bệnh không làm được các động tác: phồng má, cười, chu môi, nhăn trán.
Khi được chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7, hướng điều trị là dùng thuốc tây y, corticoid, vitamin, thuốc dẫn truyền thần kinh, đông y dùng thêm thuốc sắc, kết hợp châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, thủy châm, chiếu đèn hồng ngoại.
Bệnh liệt mặt, méo miệng do liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên không nguy hiểm đến tính mạng. Nếu được phát hiện và điều trị đúng cách trong "giai đoạn vàng" từ 2-3 tuần ngay sau bị, bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn.
Trường hợp nhẹ hoặc điều trị sớm, bệnh có thể hồi phục trong thời gian trung bình từ 2-4 tuần. Trường hợp điều trị muộn (sau hơn 1 tháng kể từ khi bị) và không được điều trị đúng cách có thể để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, co kéo nửa mặt. Nguy hiểm nhất là bị viêm loét giác mạc do mắt không nhắm được, gây khô mắt, nhiễm trùng giác mạc dẫn đến viêm, loét giác mạc. Người bệnh cũng có thể bị liệt cứng vĩnh viễn.
Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên không phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi. Bệnh cũng có khả năng tái phát. Do đó, để phòng bệnh, quan trọng nhất là giữ ấm vùng đầu, mặt, cổ, tránh gió lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột. Buổi sáng ngủ dậy nên ở trong phòng ấm 2-5 phút làm quen thời tiết trước khi ra ngoài.
Đối với trẻ nhỏ chơi ngoài trời lạnh, cha mẹ cần chú ý cho bé mặc ấm, quấn khăn, đội mũ, chơi trong thời gian ngắn. Tránh ngồi nơi gió lùa, không tắm quá khuya, đi đường xa phải đeo kính bịt mặt, che ấm cả hàm, đeo khẩu trang, không nên cho các cháu nhỏ ngồi phía trước xe.
Sau khi uống rượu, bia, không đi ngoài trời lạnh hay tắm lạnh. Đồng thời, tập thể dục thường xuyên, ăn uống khoa học để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt trong "giai đoạn vàng" nhằm hạn chế tối đa di chứng của bệnh.
Theo Đại Đoàn Kết