Cô gái ở Nam Định có khối u đến 6 cm dù không triệu chứng

Khối u có đường kính lên tới 6 cm, nằm ở vùng thân và đuôi tụy. Bệnh nhân không hề có triệu chứng gì, chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám sức khỏe định kỳ.

Trung tâm Phẫu thuật Gan mật và Tiêu hóa, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận và điều trị thành công một ca u nang tụy lớn bằng phương pháp nội soi cho bệnh nhân N.T.N (26 tuổi, quê ở Nam Định).

Điều đặc biệt là khối u này được phát hiện hoàn toàn tình cờ trong một lần khám sức khỏe định kỳ – khi bệnh nhân hoàn toàn không có biểu hiện bất thường nào.

Khối u có đường kính lên tới 6 cm, nằm ở vùng thân và đuôi tụy. Các bác sĩ nghi ngờ đây là u nhầy nội ống (IPMN) – một loại tổn thương có nguy cơ tiến triển thành ung thư nếu không được điều trị sớm. Do đó, thay vì sinh thiết – vốn có thể gây vỡ nang hoặc làm lây lan tế bào ung thư – các bác sĩ quyết định phẫu thuật luôn để loại bỏ khối u.

"Với những khối u lớn như vậy, việc sinh thiết trước mổ tiềm ẩn nhiều rủi ro như: vỡ nang, chảy máu và đặc biệt là gieo rắc tế bào ung thư nếu tổn thương là ác tính. Chúng tôi lựa chọn phương án an toàn hơn là cắt bỏ hoàn toàn khối u bằng phẫu thuật nội soi. Vì vậy, dựa trên kích thước lớn (> 5cm) và đặc điểm hình ảnh nghi ngờ, chỉ định phẫu thuật cắt bỏ được đặt ra trực tiếp mà không cần sinh thiết trước" - TS.BS Nguyễn Minh Trọng, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Gan mật và Tiêu hóa cho biết.

Các bác sĩ tiến hành nội soi 

Ca mổ diễn ra thuận lợi mặc dù gặp không ít khó khăn do khối u lớn gây cản trở tầm nhìn và không gian thao tác. Các bác sĩ đã thực hiện cắt toàn bộ phần thân và đuôi tụy kèm theo lách qua nội soi – một phương pháp hiện đại và ít xâm lấn.

Kết quả, bệnh nhân phục hồi nhanh chóng, ít đau và vết mổ thẩm mỹ cao – điều rất được quan tâm với bệnh nhân nữ trẻ tuổi.

Ảnh minh họa cho ca phẫu thuật nội soi. 

Theo BS. Trọng, phẫu thuật nội soi, dù đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng lại mang nhiều lợi ích cho người bệnh như: thay vì đường mổ dài đến 20 cm như trước đây, giờ chỉ cần vài vết mổ nhỏ 1–4 cm. Người bệnh ít đau hơn, ít nguy cơ nhiễm trùng và có thể sớm trở lại cuộc sống thường ngày.

Trường hợp của bệnh nhân N. là lời nhắc nhở rõ ràng về tính chất âm thầm của nhiều bệnh lý tụy. Nếu không được khám định kỳ, khối u có thể phát triển âm thầm và trở nên nguy hiểm lúc nào không hay.

"Tốt nhất là mỗi 6 tháng, mọi người nên đi khám sức khỏe tổng quát, kết hợp siêu âm bụng để sớm phát hiện bất thường và can thiệp kịp thời. Khám định kỳ không chỉ để yên tâm, mà đôi khi là cách cứu chính mình khỏi những căn bệnh âm thầm, khó lường" - BS Trọng khuyến nghị.


Tin liên quan

Tin mới