Theo chị H., số tiền chi tiêu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng của gia đình chị có thể cao hơn so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, số tiền này hoàn toàn nằm trong khả năng của gia đình.
Trong các gia đình, phụ nữ luôn giữ vai trò tay hòm chìa khóa, lo toan các khoản chi tiêu trong gia đình. Hầu hết chị em đều cho rằng, bài toán chi tiêu chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là trong bối cảnh giá cả leo thang.
Những gia đình mà hai vợ chồng chỉ làm công ăn lương, thu nhập ở mức trung bình vài ba chục triệu đồng một tháng sẽ phải đau đầu tính toán làm sao cân đối chi tiêu, để vừa đảm bảo sinh hoạt mà vẫn dư được chút tiền tiết kiệm.
Thông thường, họ phải đảm bảo các khoản phí cơ bản như tiền học, tiền ăn, tiền nhà (tiền nợ mua nhà, hoặc thuê nhà, phí điện, nước), tiền bảo hiểm, xăng xe… sau đó mới tính đến chuyện mua sắm, đi chơi, du lịch nếu dư dả.
Những bà nội trợ có tiềm lực về kinh tế thường sẽ nhẹ đầu hơn. Họ sẽ không phải quá cân nhắc, đắn đo mỗi khi rút ví chi một khoản nào đó trong cuộc sống. Thậm chí, với chị Võ Thu H. (36 tuổi, sinh sống ở Hà Nội), hàng ngày, chị chi tiêu hầu như "không cần nghĩ".
Chị Võ Thu H. chia sẻ, gia đình chị chi tiêu không tháng nào dưới 500 triệu đồng cho gia đình 5 người. Cả chị H. và chồng đều là những người làm trong lĩnh vực kinh doanh, sở hữu nhiều bất động sản.
Cụ thể, ba con của chị H. đều học trường quốc tế. Tiền học chính thức lẫn học thêm của cả ba bé khoảng 80 triệu đồng một tháng. Để đảm bảo các con phát triển toàn diện, bà mẹ Hà Nội này cho con học thêm khá nhiều kỹ năng và môn năng khiếu như học vẽ, học nhảy, học nghệ thuật, học bơi, học tiếng Anh…
Chị H. thường đưa gia đình đi ăn nhà hàng một tháng vài ba lần. (Ảnh: T. T) |
Tiền ăn của gia đình 5 người mỗi tháng khoảng 60 triệu đồng. Bên cạnh các thức ăn thông thường, chị H. thường mua hoa quả, thịt, cá nhập khẩu. Các con chị H. rất thích các món ăn vặt, bánh kẹo của nước ngoài. Giá của những món ăn vặt này thuộc loại khá đắt đỏ. "Đồ ăn chính tính ra không hết bao nhiêu. Nhưng vì tôi hay mua thực phẩm, trái cây nhập khẩu nên giá thường rất cao. Tính trung bình mỗi lần đi siêu thị là vài ba triệu đồng", chị H. kể.
Mỗi tháng, hai vợ chồng chị thường đưa con đi ăn hàng vài ba lần và mua sắm đồ chơi, sách vở. Tổng cộng số tiền chi ra không dưới 20 triệu đồng.
Tiền phí gửi ô tô ở chung cư và gửi ở các địa điểm mỗi lần gia đình đi ăn, đi chơi, tiền xăng xe mỗi tháng… chị H. ước tính khoảng 5-6 triệu đồng.
Các khoản chi tiêu một tháng của gia đình chị H. (Ảnh: T. T) |
Nếu chỉ tính tiền ăn, tiền học, các loại phí dịch vụ cơ bản… thì gia đình chị H. chỉ tiêu hết khoảng 200 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, vì cùng làm kinh doanh nên cả hai vợ chồng có khá nhiều mối quan hệ cần gặp gỡ, ngoại giao. Trung bình, mỗi tuần, chồng chị H. cần tiếp khách, mời khách đi ăn ba lần. Chi phí của mỗi bữa tiệc thường từ 5-10 triệu đồng. Cũng có bữa tiệc đắt đỏ tới cả trăm triệu đồng.
Đặc biệt, gia đình trẻ này rất yêu du lịch. Họ duy trì sở thích đi du lịch từ ngày mới yêu cho đến tận bây giờ khi đã có ba con.
Khi điều kiện kinh tế của gia đình phát triển, cả hai càng có cơ hội thực hiện những dự định của mình. Nhiều khi hai vợ chồng điều hành công việc online và cùng nhau đi khám phá nhiều vùng đất mới ở trong và ngoài nước.
Chị H. kể: "Có thời điểm, chúng tôi đi du lịch 25 ngày trong một tháng. Nhiều khi đi chơi nhưng cũng tiện thể tìm kiếm cơ hội đầu tư. Ngoài ra, chúng tôi cũng tranh thủ đưa các con đi trải nghiệm, thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng".
Ngoài sở thích đi du lịch, chị H. còn dành số tiền không nhỏ cho việc mua sắm quần áo, đồ hiệu, các thiết bị tiện ích trong gia đình, tiền mua đồ biếu bố mẹ, bạn bè... Khoản tiền mua những món đồ này không cố định, đôi lúc theo nhu cầu, nhưng đôi lúc là vì ngẫu hứng. Chính vì vậy, chị H. không thể đo đếm cụ thể được.
Theo chị H., số tiền chi tiêu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng của gia đình chị có thể cao hơn so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, số tiền này hoàn toàn nằm trong khả năng của gia đình, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và công việc hàng ngày của hai vợ chồng và ba đứa con.
Ngoài chi tiêu hàng ngày, chị H. cũng luôn tính toán đến việc tái đầu tư, tìm kiếm những cơ hội phát triển mới.
"Quan điểm của chúng tôi là đằng sau những giờ phút làm việc vất vả, chúng tôi cần có sự hưởng thụ tương xứng. Bản thân tôi cũng muốn con cái mình có được cuộc sống và những trải nghiệm tốt nhất", chị H. nói.
Link gốc: https://dantri.com.vn/doi-song/bang-chi-tieu-khong-thang-nao-duoi-500-trieu-dong-cua-ba-me-ha-noi-20220531184834594.htm