Người cao tuổi đối mặt với nhiều bệnh
Mới đây, Hội Lão khoa Việt Nam và Bệnh viện Lão khoa Trung ương tổ chức Hội nghị Lão khoa quốc gia lần thứ V. Một trong những nội dung được các chuyên gia tập trung thảo luận lần này là vấn đề phát triển nhân lực chuyên ngành lão khoa Việt Nam.
Già hóa dân số đã và đang là thách thức lớn trên toàn cầu. Trong vòng 10 năm trở lại đây, quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh chóng đã khiến Việt Nam trở thành một trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
PGS.TS. Nguyễn Trung Anh – Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, già hóa dân số đã và đang là thách thức lớn trên toàn cầu. Trong vòng 10 năm trở lại đây, quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng đã khiến Việt Nam trở thành một trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, tỉ lệ người cao tuổi có thể đạt 16,8% vào năm 2029. Theo thống kê, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và dự kiến sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036.
PGS.TS Nguyễn Trung Anh cho biết thêm, tại Việt Nam, tuổi thọ trung bình đạt 73,4 tuổi, bình quân mỗi người cao tuổi có khoảng 14 năm với bệnh tật. Với người trên 60 tuổi, mỗi người có trung bình 2,6 bệnh; trên 80 tuổi, số bệnh tật trung bình là 6,9 loại. Người cao tuổi của chúng ta phải sống với các bệnh tật, trong tình huống "chưa giàu đã già".
Hậu quả của già hóa dân số lên hệ thống y tế tại Việt Nam bao gồm việc gia tăng nhu cầu chăm sóc y tế cho người cao tuổi, đặc biệt là điều trị các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường và các bệnh về thần kinh. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện và cơ sở y tế, khi số lượng người bệnh tăng lên mà khả năng đáp ứng về nhân lực và trang thiết bị còn hạn chế. Ngoài ra, chi phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cũng ngày càng tăng, gây áp lực tài chính lên hệ thống bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước.
Giải pháp trước thách thức lớn
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Trung Anh việc thiếu hụt các bác sĩ chuyên ngành lão khoa và dịch vụ chăm sóc dài hạn cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi Việt Nam phải đầu tư nhiều hơn vào đào tạo và cải thiện chất lượng dịch vụ y tế dành cho người cao tuổi.
Chia sẻ về định hướng phát triển nhân lực chuyên ngành lão khoa, PGS.TS Nguyễn Trung Anh nêu rõ, nguồn nhân lực lão khoa ở Việt Nam còn thiếu về mặt số lượng, chưa đảm bảo yêu cầu cần có khoa lão hoặc giường điều trị bệnh nhân lão khoa ở tuyến tỉnh.
Do đó, cần tích cực đào tạo nguồn nhân lực cho chuyên ngành lão khoa bao gồm các bác sĩ, các điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên xã hội chăm sóc người cao tuổi. Về chương trình đào tạo, các trường đại học y lớn trong cả nước cần thống nhất chương trình đào tạo chung. Trường Đại học Y Hà Nội đã có nội dung đào tạo lão khoa cho sinh viên y khoa, đào tạo các đối tượng bác sĩ nội trú, cao học, chuyên khoa cấp II, tiến sĩ chuyên ngành lão khoa.
Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ cho đào tạo nguồn nhân lực và phạm vi hoạt động chuyên môn chuyên ngành lão khoa cho bệnh viện các tuyến trên cả nước. Việc cung ứng dịch vụ cho người cao tuổi cũng cần được quan tâm, các kỹ thuật mới phê duyệt nếu được bảo hiểm y tế chi trả sẽ giúp chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người cao tuổi. "Ngoài ra, chúng tôi cũng tham mưu Bộ Y tế sửa một số thông tư để phù hợp hơn với thực tế yêu cầu về dịch vụ y khoa trong điều trị, chăm sóc y tế người cao tuổi. Với sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành như Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội, các chế độ an sinh xã hội, các chính sách cho người cao tuổi sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới" - PGS.TS Nguyễn Trung Anh nói.
"
Số người cao tuổi ở nước ta liên tục tăng cao trong những năm gần đây, hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi (chiếm khoảng 11,86% dân số). Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) sẽ khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số. Tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng trong cơ cấu dân số gây áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội, hệ thống y tế, trong đó có chuyên ngành lão khoa. Một nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho thấy, những bệnh nhân trên 80 tuổi có đến 6 bệnh phối hợp như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, Parkinson, Sa sút trí tuệ, đột quỵ... Với tình trạng bệnh lý và hội chứng lão khoa như vậy khiến nhu cầu chăm sóc toàn diện với đối tượng này là rất lớn. Đó cũng là vấn đề cấp thiết cần giải quyết với hệ thống an sinh xã hội, môi trường chính sách của bất kỳ quốc gia nào.
Theo Đại Đoàn Kết