Văn hóa - Xã hội

Giáo sư Trần Công Luận - 46 năm ghi tên mình lên hành trình nghiên cứu cây thuốc Việt

Anh Đào 20/09/2024

Giáo sư Trần Công Luận đã có một hành trình đáng ngưỡng mộ trong lĩnh vực dược liệu, gắn bó với nghề suốt hơn 40 năm. Từ những ngày đất nước còn chiến tranh, ông đã nuôi dưỡng niềm đam mê với cây thuốc, trở thành giáo sư đầu tiên trong ngành Dược học tại Đồng bằng Sông Cửu Long.

Giáo sư Trần Công Luận đã có một hành trình đáng ngưỡng mộ trong lĩnh vực dược liệu, gắn bó với nghề suốt hơn 40 năm. Từ những ngày đất nước còn chiến tranh, ông đã nuôi dưỡng niềm đam mê với cây thuốc, trở thành giáo sư đầu tiên trong ngành Dược học tại Đồng bằng Sông Cửu Long.

Dấu ấn nổi bật hơn 40 năm cống hiến, vị Giáo sư tận tụy với nghề đã có hơn 172 bài báo khoa học và báo cáo khoa học được công bố. Đã hướng dẫn thành công 04 nghiên cứu sinh bảo vệ luận án TS và hướng dẫn 48 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ.

Giáo sư Trần Công Luận đã đạt được 10 bằng khen, 3 kỷ niệm chương và nhiều danh hiệu cao quý trong suốt quá trình làm việc của mình.

Phóng viên: Trải qua nhiều biến động thời cuộc nhưng Thầy vẫn kiên trì theo đuổi con đường nghiên cứu và phát triển dược liệu. Thầy đã bén duyên với ngành như thế nào?

Giáo sư Trần Công Luận: Cơ duyên với dược liệu đến với thầy một cách tự nhiên và chậm rãi, không gượng ép. Giống như cây thuốc, phải đủ thời gian mới có thể sử dụng, thầy tìm ra niềm đam mê một cách nhẹ nhàng giữa rừng núi rộng lớn.

Ban đầu, thầy đỗ vào ngành y nhưng không thực sự đam mê, nên quyết định thi lại vào ngành Dược. Nhờ một chút may mắn và nỗ lực, thầy nằm trong danh sách 200 người đỗ vào Trường Đại học Y Dược TP.HCM. Lúc đó, dược liệu vẫn còn mờ nhạt trong suy nghĩ của thầy.

Chỉ đến năm thứ 3, khi trường phân chia chuyên ngành, thầy mới thực sự tập trung vào dược liệu. Trong 6 năm học, thầy và các bạn thường xuyên đi thực tế, và niềm yêu thích dược liệu lớn dần, trở thành sự nghiệp mà thầy theo đuổi đến hôm nay.

Phóng viên: Xuất thân từ ngành dược cùng niềm đam mê nghiên cứu dược liệu, vậy đâu là bước ngoặt để thầy tiếp nối việc giảng dạy các kiến thức đã nghiên cứu được cho những thế hệ sau?

Sau khi tốt nghiệp thầy ở lại trường, vừa làm việc ở trường vừa đồng thời thuộc đơn vị chuyên nghiên cứu cây Sâm Ngọc Linh, cứ thế phát triển từ đơn vị nghiên cứu chuyên đề phát triển dần lên trung tâm sâm. Từ năm 1997 thầy về trực thuộc Viện Dược liệu Trung ương, lúc bấy giờ thầy đảm nhận vai trò Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM trực thuộc Viện với nhiệm vụ vẻ vang là phủ sóng khu vực đèo Hải Vân trải dài đến mũi Cà Mau và các hải đảo, biên chế cho 25 cán bộ.  

Lúc bấy giờ, việc kết nối các cán bộ thuộc Trung tâm là rất quan trọng bởi lẽ cả đội phải có chung mục tiêu xuyên suốt quá trình làm việc thì các chuyến đi thực tế mới đạt được những kết quả đáng kể. Chưa kể sau khi đi công tác về, đội phải lao đầu vào nghiên cứu và báo cáo đề tài, thời gian làm việc tuy không quá gấp rút nhưng chắc hẳn mỗi người đều có một ngọn lửa nhiệt huyết riêng cần được thổi bùng lên bởi không khí chung. Là người đảm nhận vai trò quản lý các đồng đội, thầy phải liên tục trao đổi và khơi gợi kiến thức, vừa kích thích khả năng quan sát làm việc của các bạn, vừa có thể đảo chiều góc nhìn của mình thông qua lăng kính của đồng đội từ đó có những phát hiện không ngờ nhất.

Nghiên cứu phải gắn kết với đào tạo cho nên thông qua khoảng thời gian làm việc và quản lý đội 25 người thuộc Trung tâm, thầy đã hình thành được cho mình khả năng truyền tải kiến thức và xây dựng hệ thống làm việc có chuyên môn cùng thái độ tích cực đối với công việc.

Phóng viên: Trong quá trình giảng dạy cho thế hệ trẻ cách mình đã nhiều thập kỷ, khác biệt về thời đại và cách tiếp nhận giáo dục, thầy có gặp khó khăn trong việc "truyền lửa" cho các bạn không?

Giáo sư Trần Công Luận: Thầy nghĩ rằng lửa không thể truyền cho những người không có sẵn nhiệt, nhưng rất may mắn các thế hệ sau này mà thầy tiếp xúc, giảng dạy, tham vấn nghiên cứu đều rất tận tụy với ngành nghề mà bản thân theo đuổi.

Các bạn trẻ bây giờ phải nói là rất cá tính và có nhiều góc nhìn đặc sắc. Khi đi dạy, các bạn rất sôi nổi trước những chia sẻ của thầy và bạn học. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại thì thời gian sắp xếp để chia sẻ kiến thức cho các bạn thật lòng là chưa đủ nhiều để có thể cầm tay chỉ việc như thầy khi xưa. Dù thầy tự nhận thấy là bản thân cũng đã có tuổi, sắp xếp giáo trình có đôi khi sẽ bớt hấp dẫn hơn nhưng các bạn rất nhanh nhẹn tiếp cận kiến thức, sự cầu thị của các bạn cũng là những điểm sáng khiến thầy vẫn muốn trực tiếp trên bục giảng thay vì chỉ đạo các bạn thông qua các phòng ban, văn bản.

Giáo sư Trần Công Luận vẫn luôn nhiệt tình hỗ trợ các bạn sinh viên trong quá trình học tập

Phóng viên: Trở thành Giáo sư dược đầu tiên tại khu vực ĐBSCL, chắc hẳn thầy sẽ có những tâm tư đặc biệt với nơi này. Sau khi nhận danh hiệu thầy có cảm thấy có trách nhiệm như thế nào đối với mảnh đất chín rồng?

Giáo sư Trần Công Luận: Đối với khu vực ĐBSCL, thầy còn nợ nhiều về phát triển cây thuốc của vùng này so với vùng khác

Nói về bức tranh chung của ngành dược thì thầy đón nhận chức danh Giáo sư với tâm thế trân trọng, trách nhiệm với công việc vẫn được tiếp tục duy trì. Song đó, với vị trí đương nhiệm là Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Đô thì công cuộc giáo dục càng thêm phần quan trọng bởi vì mỗi người học trò, mỗi nghiên cứu sinh và các đồng nghiệp đều là những mắt xích kiến thức quan trọng trong nghiên cứu khoa học về dược liệu.

Sự phát triển của ngành dược học không dễ nhận biết như các ngành nghề khoa học khác. Dược liệu không mang nhiều tính phát minh thế kỷ, giá trị của ngành nằm ở việc nghiên cứu và phát huy dược tính của cây thuốc một cách có hiệu quả.

"Cũng thật dễ hiểu khi cộng đồng đánh giá ngành dược là chậm phát triển so với thời đại, tuy nhiên dược tính của mỗi cây thuốc là bất biến, bằng chứng là những bài thuốc dân gian của ông bà ta để lại vẫn được lưu truyền và sử dụng rộng rãi đến ngày nay và chắc chắn vẫn được sử dụng tiếp tục trong tương lai. Những thế hệ tiếp theo sẽ kế thừa và phát huy các giá trị đó mà không thể thay đổi những thứ được xem như trường tồn của dược tính, chỉ có thể phát huy tối đa hoặc cải tiến dựa trên những gì đã có nhờ sự tân tiến của thời đại mà thôi", Giáo sư Luận chia sẻ.

Phóng viên: Cũng đã hơn 10 năm gắn bó tại ĐBSCL, thầy có góc nhìn như thế nào về tiềm năng phát triển dược liệu tại khu vực này?

Giáo sư Trần Công Luận: Theo quan điểm của thầy, việc khai thác và phát triển dược liệu cần mang lại giá trị kinh tế cho người trồng và đảm bảo sản phẩm có thể tiếp cận rộng rãi đến người tiêu dùng. Chúng ta cần có quy hoạch vùng sản xuất, khai thác và bảo tồn dược liệu.

Hiện tại, phát triển kinh tế dược liệu vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Tuy nhiên, nếu có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan và đầu tư nghiêm túc vào thương hiệu, chúng ta có thể đạt được thành tựu lớn. Sự khác biệt giữa các sản phẩm không chỉ nằm ở chất lượng mà còn ở cách xây dựng câu chuyện thương hiệu.

Vùng Tây nam bộ và Đông nam bộ là một trong 8 Vùng trồng dược liệu của cả nước, chứng minh tiềm năng lớn của khu vực. Với điều kiện sinh thái thuận lợi, quỹ đất rộng lớn giàu phù sa và khí hậu nhiệt đới gió mùa, ĐBSCL sở hữu nhiều loại dược liệu quý có thể bảo tồn và phát triển. Với điều kiện sinh thái thuận lợi, quỹ đất rộng lớn giàu phù sa và khí hậu nhiệt đới gió mùa, ĐBSCL sở hữu nhiều loại dược liệu quý có thể bảo tồn và phát triển.

Khi doanh nghiệp và người trồng hợp tác chặt chẽ, cùng với sự hỗ trợ từ chính sách phát triển dược liệu của Nhà nước, thầy tin rằng ĐBSCL có thể tạo ra dấu ấn mạnh mẽ trong lĩnh vực dược liệu.  

GIÁO SƯ, TIẾN SỸ TRẦN CÔNG LUẬN

Năm sinh: 1953

Quê quán: An Đông, TP. Huế, Thừa Thiên Huế

Tốt nghiệp Đại học ngành Dược, chuyên ngành Dược sĩ đa khoa (1978)

Nhận bằng Tiến sĩ ngành Dược học, chuyên sâu về Hóa hợp chất tự nhiên (1992)

Được công nhận Phó Giáo sư ngành Dược học (2011)

Được công nhận Giáo sư ngành Dược học (2022)

Quá trình công tác:

- Từ năm 1993 đến 1996: Trưởng BM Hoá – chế phẩm tại Liên hiệp KHSX Sâm và Dược liệu – Bộ Y tế (1993 – 1996)

- Từ năm 1999 đến 12/2013: Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM - Viện Dược liệu, đến 2011 kiêm nhiệm thêm vị trí Trưởng BM Dược học cổ truyền, ĐH. Y Dược TP.HCM 

- Từ 1/6/2015 đến nay: Hiệu trưởng, Trưởng Khoa Dược - Điều dưỡng tạiTrường Đại học Tây Đô.

Hướng nghiên cứu của Giáo sư Trần Công Luận tập trung trên 3 hướng: nghiên cứu phát triển cây Sâm Ngọc Linh (chủ yếu về thành phần hoá học); Các cây thuốc thuộc họ Nhân Sâm (Araliaceae) và các cây thuốc mang tên Sâm; Bảo tồn và phát triển các cây thuốc khác ở khu vực được phân công nhiệm vụ.

Các công trình khoa học tiêu biểu: Polyacetylenes in rhizomes and of Vietnamese ginseng (Panax vietnamensis Ha et Grushv.) năm 1989 trên tạp chí Herba Polonica; Hợp chất polyacetylen trong lá Đinh lăng (Polyscis fructicosa (L.) Harms, Araliaceae) năm 2001 trong Công trình nghiên cứu khoa học (1987 – 2000) – Viện Dược liệu, NXB KH&KT,… Đặc biệt là hàng loạt các công trình nghiên cứu về Sâm Việt Nam như: Nghiên cứu về dược liệu học và hóa học cây Sâm Việt Nam (Panax vietnamensis Ha et Grudhv.) vào năm 2001; Nghiên cứu phát triển Ngũ vị tử Ngọc Linh và tác dụng bảo vệ gan năm 2006.

Thành tựu nổi bật: Giáo sư Trần Công Luận đã đạt được 10 bằng khen, 3 kỷ niệm chương và nhiều danh hiệu cao quý như Chiến sĩ thi đua cấp Bộ Y tế (2014); Thầy thuốc ưu tú (2017); Chiến sĩ thi đua cấp thành phố (2018).

Anh Đào TH

Giáo sư Trần Công Luận - 46 năm ghi tên mình lên hành trình nghiên cứu cây thuốc Việt