Theo các chuyên gia y tế, các trường hợp bệnh nhân bị viêm gan B hay viêm gan C thường không được phát hiện kịp thời và chỉ nhập viện điều trị khi bệnh đã có những biến chứng nguy hiểm là khá phổ biến. Nguyên nhân, do bệnh viêm gan thường có những tiến triển chậm, không điển hình, nên người mắc bệnh thường chủ quan.
Theo Bộ Y tế, kết quả nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ nhiễm virus viêm gan của một số nhóm dân cư là từ 8 - 25% đối với virus viêm gan B và khoảng 2,5 - 4,1% với virus viêm gan C, đồng thời cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm virus viêm gan A, D, E trong số các bệnh nhân viêm gan nhập viện.. Số trường hợp tử vong do viêm gan B ở nước ta nhiều năm qua là hơn 23.000 người và tử vong do virus viêm gan C là xấp xỉ 7.000 người trường hợp. Ngoài tác nhân virus (A, B, C...), tỷ lệ viêm gan do bia rượu, thuốc đông tây y, thực phẩm "bẩn", ô nhiễm môi trường… đang ngày càng tăng mạnh.
Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có gánh nặng viêm gan virus cao trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Ước tính nước ta hiện có khoảng 6,6 triệu người mắc viêm gan B và gần một triệu người nhiễm viêm gan C mạn tính. Trong khi các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, tỷ lệ này rất thấp nhờ chiến dịch tiêm phòng hàng chục năm qua.
GS.TS Nguyễn Văn Kính - Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cũng cho biết, viên gan B, C là căn nguyên hàng đầu gây ung thư gan tại nước ta. Hiện, tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư gan ở Việt Nam chiếm hàng đầu với trên 25.000 ca mắc mới và tử vong mỗi năm.
Nguy cơ lây nhiễm cao
GS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết: Viêm gan do virus có 4 loại, gồm A, B, C và E. Viêm gan A và E gây nhiễm trùng tiêu hóa cấp, viêm gan virus B và C gây viêm gan mạn tính, dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Trong đó, A, C và E có thể điều trị khỏi, viêm gan virus B chưa có thuốc điều trị, chỉ có thuốc ức chế.
Điều nguy hiểm là trong giai đoạn đầu, viêm gan thường không có triệu chứng rõ ràng nên rất ít trường hợp được phát hiện sớm. Tình trạng viêm kéo dài khiến tế bào gan bị hư hại, hình thành các mô sẹo gây xơ gan, kết hợp với các tác nhân khác sẽ dẫn tới ung thư gan. Các biến chứng của viêm gan thường đến sớm và nhanh nếu bệnh nhân đồng thời có từ 2 yếu tố nguy cơ trở lên như nhiễm siêu vi và lạm dụng rượu bia.
GS.TS Nguyễn Văn Kính phân tích: viêm gan là tình trạng tổn thương gan, đặc trưng bởi sự hiện diện của các tế bào viêm. Nhiều nghiên cứu gần đây phát hiện, khi tế bào Kupffer (là đại thực bào thường trú ở gan của tất cả mọi người) bị kích hoạt quá mức bởi các yếu tố như thực phẩm nhiễm độc, rượu bia, thuốc điều trị phóng thích ra các chất gây viêm gây tổn thương tế bào gan, khiến viêm gan dễ khởi phát, tăng nặng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
TS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, căn bệnh viêm gan B và viêm gan C rất dễ lây truyền trong cộng đồng, đều lây truyền qua đường máu, tình dục và từ mẹ sang con. So với virus viêm gan B thì virus viêm gan C lây truyền chậm hơn và ít biểu hiện hơn, nhưng lại gây ra những hậu quả rất nặng nề. Ba biến chứng thường gặp nhất của bệnh viêm gan C chính là: suy gan, xơ gan và ung thư gan. Người bệnh có thể bị tử vong từ 1 trong 3 biến chứng trên. Đáng lo là phần lớn người mắc viêm gan C mạn tính không có triệu chứng cơ bản, chỉ khi bị xơ gan hoặc ung thư gan mới thể hiện các triệu chứng.
Khả năng lây nhiễm viêm gan B rất cao, chủ yếu qua qua đường máu, sinh hoạt tình dục, nguy cơ khi dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo với người bệnh. Phương thức lây nhiễm phổ biến nhất là lây nhiễm trong khi sinh: trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm khi sinh từ 10% - 90% nếu mẹ bị nhiễm viêm gan B. Cần tiêm chủng vaccine viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ nhằm mục đích phòng chống lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con và các liều sau đó theo lịch của chương trình tiêm chủng. Đây là chiến lược của WHO và là chỉ đạo của Bộ Y tế.
Theo các chuyên gia y tế, đường lây truyền chính ở Việt Nam là từ mẹ sang con. Đáng lo khi chỉ có 9% người bệnh biết mình bị nhiễm, trong số này chỉ 8% được điều trị. Việc điều trị viêm gan B lâu dài, tốn kém, tuy nhiên có thể dự phòng được bằng tiêm vaccine khỏi các biến chứng xơ gan, ung thư gan với tỉ lệ tới 95%.
GS Nguyễn Văn Kính cho biết Việt Nam đặt mục tiêu loại trừ viêm gan virus vào năm 2030. Song, các rào cản hiện nay là sự thiếu nhận thức, khả năng tiếp cận và chi trả hạn chế của người dân. Cụ thể, tỷ lệ người biết tình trạng nhiễm thấp, không có chương trình sàng lọc. Chi phí thuốc điều trị cao, trung bình từ 80.000- 1.300.000/tháng cho người bệnh viêm gan B, phải điều trị suốt đời. Còn thuốc viêm gan C có giá khoảng 22 triệu đồng cho 12 tuần điều trị. Ngoài ra, tỷ lệ chi trả cho điều trị viêm gan C của bảo hiểm y tế còn thấp, chỉ 50%.
Do đó, GS Kính khuyến nghị cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị viêm gan B, C. Tăng độ bao phủ vaccine viêm gan B liều sơ sinh, cải thiện tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Giảm tỷ lệ đồng chi trả cho thuốc điều trị viêm gan C xuống còn 20% và được chi trả tại tuyến huyện. Đưa thuốc điều trị viêm gan B, C vào danh mục thuốc đấu thầu tập trung hoặc danh mục đàm phán giá.
"
GS.TS Nguyễn Văn Kính - Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam khuyến cáo: Người dân nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm sớm để phát hiện viêm gan B, C. Nếu chưa mắc bệnh, hãy tiêm vaccine và kiểm tra lượng kháng thể viêm gan sau tiêm. Nếu đã mắc bệnh, cần khám định kỳ 6 tháng một lần, tuân thủ đơn điều trị bằng thuốc kháng virus, tầm soát ung thư gan thường xuyên.
Theo Đại Đoàn Kết