Theo Bộ Y tế, báo cáo 2021 của Mạng lưới toàn cầu về phòng chống các rối loạn do thiếu I-ốt cho biết, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu I-ốt.
Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019 – 2020 cũng cho thấy, chỉ số trung vị I-ốt niệu và chỉ số hộ gia đình sử dụng muối I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh ở nước ta đều không đạt so với khuyến cáo của tổ chức WHO.
Đặc biệt, tỷ lệ người có nồng độ I-ốt niệu vượt quá ngưỡng 300 ppm là 0% (ngưỡng trên 300 ppm là ngưỡng có I-ốt niệu cao).
Với kết quả này, Bộ Y tế khẳng định, quần thể người dân Việt Nam vẫn còn chưa đạt đủ lượng I-ốt tiêu thụ hàng ngày so với khuyến nghị. Đến nay, cũng chưa có y văn nào đề cập đến chương trình sử dụng muối I-ốt toàn dân (từ năm 1994 đến nay) dẫn đến hệ quả về bệnh lý tuyến giáp.
Ngoài ra, các báo cáo của Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân thừa I ốt ở nước ta.
Chính vì vậy, Bộ Y tế khẳng định, không có bất kỳ lo ngại nào liên quan đến việc toàn dân sử dụng muối I-ốt, bao gồm muối I-ốt dùng trong hộ gia đình và trong chế biến thực phẩm, tại Việt Nam chưa bao giờ có trường hợp người dân thừa I-ốt.
Theo tổ chức WHO, nếu thiếu I-ốt nặng sẽ gây tăng tỷ lệ cường giáp trên những bệnh nhân tuyến giáp tự miễn. Sau 5 - 10 năm bổ sung I-ốt thường xuyên, tỷ lệ mắc cường giáp sẽ suy giảm, tương ứng với những vùng không bị thiếu I-ốt.
Thiếu I-ốt nặng sẽ gây tăng tỷ lệ cường giáp (Ảnh internet)
Cường giáp là bệnh tự miễn
Các chuyên gia cho biết, cường giáp là bệnh tự miễn, điều trị nội khoa bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp là chủ yếu. Nếu điều trị nội khoa thất bại hoặc yếu tố miễn dịch vẫn còn cao sau thời gian dài điều trị nội khoa thì nên lựa chọn phẫu thuật hoặc điều trị xạ.
Ung thư tuyến giáp là bệnh ác tính thường gặp nhất của hệ nội tiết, đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu. Theo số liệu Globocan (dữ liệu ung thư toàn cầu) năm 2020 của Cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư (IARC), ung thư tuyến giáp đứng thứ 11 về số ca mắc mới ung thư, chiếm 3% trong tổng số ca mắc mới của tất cả các loại ung thư.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Globocan năm 2020, tương tự tình hình trên thế giới, ung thư tuyến giáp đứng thứ 10 về số ca mắc mới, đứng thứ 6 ở nữ giới về tỷ lệ mắc mới trong tất các loại ung thư, gấp 4 lần so với nam giới.
Nguyên nhân ung thư này tăng do sự phát triển kỹ thuật và ý thức của người dân khám, phát hiện bệnh sớm. Chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định thừa I-ốt gây ra ung thư tuyến giáp, Bộ Y tế giải thích.
Trước một số ý kiến cho rằng, thực phẩm bổ sung I-ốt ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và gia tăng bệnh ung thư tuyến giáp, Bộ Y tế cho biết, 8 năm gần đây, cơ quan y tế chưa nhận được bằng chứng khoa học liên quan đến việc sử dụng muối tăng cường I-ốt bị biến đổi về màu sắc, mùi vị sản phẩm hoặc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Chinhphu.vn