Aaron James, 46 tuổi, một cựu quân nhân Hoa Kỳ sống tại tiểu bang Arkansas đã gặp tai nạn vào năm 2021 khi đang làm thợ điện cao thế. Trong quá trình làm việc, mặt anh vô tình chạm vào một sợi dây điện và dòng điện mạnh đã khiến khuôn mặt của James đã bị chấn thương nặng nề, phá huỷ mắt trái, toàn bộ mũi và môi, vùng má trái và vùng cằm cùng cánh tay trái của anh.
Cuối tháng 5/2023, một nhóm gồm hơn 140 bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện NYU Langone Health (New York, Mỹ) đã thực hiện ca phẫu thuật kéo dài 21 giờ. Cuộc phẫu thuật bao gồm cấy ghép toàn bộ mắt trái và các bộ phận trên khuôn mặt từ một người hiến tặng 30 tuổi. Đây chính là ca ghép mắt người thành công đầu tiên cho một bệnh nhân còn sống trong lịch sử y khoa thế giới.
Tiến sĩ Eduardo Rodriguez, giám đốc Chương trình Cấy ghép Mặt tại bệnh viện NYU Langone Health - người đã thực hiện bốn ca ghép mặt trước đây và các đồng nghiệp của ông, đã được các chuyên gia, bác sĩ ở Texas giới thiệu về trường hợp của Aaron James. Đó là một ca phẫu thuật mạo hiểm đối với Rodriguez và các đồng nghiệp của ông. Trước đây, chưa có đội ngũ y tế nào trên thế giới thực hiện thành công ca ghép mắt người cho một bệnh nhân còn sống. Các cuộc thảo luận xung quanh khả năng cấy ghép vẫn tiếp tục ngay cả sau khi đội ngũ y tế ở Texas đã cắt bỏ mắt trái của Aaron do anh bị đau dữ dội. Rodriguez và các đồng nghiệp ở New York đã yêu cầu các bác sĩ tại Texas bảo tồn càng nhiều dây thần kinh thị giác càng tốt với hy vọng có thể ghép mắt. Khi Rodriguez nói chuyện với James về khả năng thực hiện không chỉ ghép một phần khuôn mặt mà còn ghép toàn bộ mắt, ông có cảnh báo rằng mắt của người hiến tặng có thể không phục hồi được thị lực. Để có được thị giác, sẽ phải có sự liên kết giữa mắt được cấy ghép và não bộ. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã tiêm tế bào gốc trưởng thành từ tủy xương của người hiến tặng vào dây thần kinh thị giác để thúc đẩy quá trình phục hồi.
Aaron
James (bìa trái) cùng Tiến sĩ Eduardo
Rodriguez
Nguồn: Reuteur
Sau cuộc phẫu thuật gần 1 năm, hiện tại cuộc sống của James và gia đình đã trở lại bình thường bởi vì đã có những tiến triển đáng kinh ngạc kể từ cuộc phẫu thuật. James cho rằng ca ghép mắt đã "cuộc thay đổi cuộc đời" và cho biết ông "biết ơn vô hạn" người hiến tặng và gia đình họ vì đã giúp ca phẫu thuật thành công. Các nhà nghiên cứu tại NYU Langone Health cho biết họ "thực sự kinh ngạc" trước sự hồi phục của ông James. Mắt hiến tặng của ông vẫn duy trì được áp suất và lưu lượng máu bình thường cũng như kích thước, không giống như mắt hiến tặng ở động vật thường bị teo lại sau khi cấy ghép. Tiến sĩ Vaidehi Dedania, bác sĩ nhãn khoa của ông James, cho biết: "Những kết quả mà chúng tôi thấy sau quy trình này thật đáng kinh ngạc và có thể mở đường cho các phác đồ lâm sàng mới cũng như truyền cảm hứng cho các nghiên cứu sâu hơn về các ca cấy ghép phức tạp liên quan đến các giác quan quan trọng".
Các nhà nghiên cứu cho biết một xét nghiệm gọi là điện võng mạc - đo phản ứng điện của võng mạc với ánh sáng - cho thấy các tế bào que và nón của mắt hiến tặng, các tế bào thần kinh nhạy sáng trong mắt, đã sống sót sau ca ghép. Các bác sĩ cho biết có dòng máu chảy trực tiếp đến võng mạc - phần mắt gửi hình ảnh đến não. Mặc dù không chắc chắn ông James sẽ lấy lại được thị lực ở mắt mới, các bác sĩ cũng không loại trừ khả năng này. Các nhà nghiên cứu cho biết: "Phản ứng điện này chuyển đổi ánh sáng thành các tín hiệu mà não có thể diễn giải thành thị lực, mang lại hy vọng cho tương lai của việc ghép toàn bộ mắt với mục đích phục hồi thị lực".
Hiện tại, cựu chiến binh 46 tuổi có thể ăn được các thức ăn rắn và ngửi được mùi. Ông chia sẻ với phóng viên:"Tôi gần như đã trở lại là một người bình thường, làm những việc bình thường". James hy vọng rằng :"Nếu tôi có thể nhìn được thì thật tuyệt vời… Nhưng nếu điều này khởi động con đường tiếp theo trong lĩnh vực y tế thì tôi hoàn toàn ủng hộ.".
Phương Lan