Năm 2023, cả nước ghi nhận 82 ca mắc và tử vong, tăng 12 ca so với năm 2022. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2024, số mắc và tử vong vì bệnh dại tăng vọt lên 27 ca (tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023). Trên thực tế, số ca mắc và tử vong do bệnh dại vẫn gia tăng.
Mới đây Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới trung ương đã tiếp nhận nam bệnh nhi 8 tuổi, được BV đa khoa Sơn La chuyển đến với chẩn đoán theo dõi bệnh dại. Trước khi vào viện 1 tháng, bệnh nhi bị chó lạ đi qua cắn vào má phải. Gia đình có cho bệnh nhân đi tiêm phòng uốn ván nhưng không tiêm phòng dại.
Trước khi vào viện, bệnh nhi sốt cao kèm đau đầu, buồn nôn mất ăn ngủ, sợ nước, sợ gió. Bệnh nhi được đưa vào điều trị tại BV đa khoa Sơn La điều trị 2 ngày, sau đó được chuyển đến khoa Cấp cứu (BV bệnh Nhiệt đới trung ương). Tại đây, bệnh nhi N. được BV chuẩn đoán bệnh dại. BS Đặng Hoàng Điệp - Khoa Cấp cứu cho biết, bệnh nhi vào khoa trong tình trạng kích thích, sợ nước sợ gió, sợ ánh sáng, không ăn uống được. Sau đó, ngày 22/8 vừa qua bệnh nhi đã tử vong.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, không ít địa phương bùng phát ổ dịch chó dại.
Trước đó, tại huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) xảy ra vụ việc chó nghi bị dại cắn 6 người, trong đó có 1 trẻ em. Sau đó, con chó chết khi đang bị nhốt trong lồng. Thông tin từ BV Sản - Nhi Phú Yên cho biết, từ đầu mùa hè đến nay, trung bình mỗi tháng có khoảng 30 trẻ bị chó cắn phải nhập viện điều trị. Riêng trong tháng 7/2024, BV tiếp nhận gần 60 trường hợp trẻ em đến khám, điều trị do bị chó cắn, trong đó có nhiều trường hợp bị thương rất nặng.
Tại Đồng Nai, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Định Quán cho hay, trên địa bàn ghi nhận ổ dịch dại trên chó hoang vô chủ đã tấn công 11 người. Sau khi tấn công và cắn 11 người, con chó đã bị người dân bắt nhốt, được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với virus dại.
Còn tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã phát đi cảnh báo về bệnh dại đang có diễn biến phức tạp trên động vật. Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 6 ổ bệnh dại trên chó đều tại huyện Sóc Sơn.
BS Đinh Thị Vân Anh - Phó Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn (BV Nhi trung ương) nhấn mạnh: Bệnh dại là bệnh do virus lây truyền từ động vật sang người, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Khi đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, bệnh dại gần như gây tử vong 100%. Đa số các trường hợp tử vong đều chưa được tiêm phòng do tâm lý chủ quan cho rằng chó nhà cắn và tại thời điểm cắn chó bình thường, không hiểu biết về bệnh dại, trẻ bị chó cắn nhưng không nói với gia đình, tâm lý e ngại với vaccine phòng dại...
Mặc dù vậy, đây là căn bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó hoặc động vật cắn, cào hay liếm vào vết xước, người dân cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy, càng sớm càng tốt trong 15 phút. Rửa vết thương bằng xà phòng và nước hoặc bằng các chất có tác dụng diệt khuẩn như cồn iode; cồn 70 độ C hoặc rượu mạnh; xà phòng, dầu gội, dầu tắm…
Đồng thời khẩn trương đến các cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá vết thương, tư vấn tiêm chủng vaccine và huyết thanh theo từng trường hợp cụ thể căn cứ theo tình trạng động vật cắn, hoàn cảnh bị cắn hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh; tình trạng và số lượng vết cắn, vị trí bị cắn; tình hình bệnh dại trong vùng.
"
Theo TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hương - Trưởng Văn phòng chương trình dại (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương), thời gian ủ bệnh của virus dại trong cơ thể người kể từ thời điểm bị tấn công có thể trong khoảng từ 5 ngày cho tới hơn 1 năm, mặc dù thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 2 - 3 tháng. 100% trường hợp đã bị lên cơn dại sẽ dẫn đến tử vong, không có thuốc nào có thể cứu chữa được. Bởi vậy, cần sử dụng vaccine phòng dại càng sớm càng tốt ngay sau khi bị cắn để tạo miễn dịch chủ động giúp cơ thể ngăn chặn virus dại tấn công hệ thần kinh trung ương.
Theo Đại Đoàn Kết