Y tế

Nhiễm giun sán vì sở thích ăn rau sống

27/08/2024

Rau xanh là thực phẩm luôn được các bác sĩ, chuyên gia khuyến cáo cần tăng cường trong khẩu phần ăn. Tuy nhiên, việc ăn rau xanh, rau sống không đảm bảo vệ sinh sẽ dẫn tới nguy cơ nhiễm các loại giun sán.

Bệnh viện (BV) Phú Thọ cho biết, vừa tiếp nhận một trường hợp bị nhiễm cùng lúc 5 loại giun sán nguy hiểm do có thói quen ăn rau sống. Người bệnh thường xuyên ăn rau sống, cứ 5 ngày ăn 1 bữa. Khoảng 2 tháng gần đây, người bệnh mệt mỏi, ăn kém, đau đầu, sút 8kg nên đã đến BV tỉnh Phú Thọ khám.

Tại khoa Nội hô hấp – Tiêu hóa (BV đa khoa Phú Thọ), sau khi được thực hiện các kiểm tra lâm sàng, Phim chụp CT ngực có viêm phổi; Xét nghiệm công thức máu có tăng bạch cầu ái toan; xét nghiệm ký sinh trùng phát hiện dương tính với: Sán lá gan lớn, sán dây chó, giun lươn, giun đũa chó mèo, sán máng.

Người bệnh được chẩn đoán: Viêm phổi – Tăng bạch cầu ái toan – nhiễm nhiều loại kí sinh trùng – viêm dạ dày – viêm gan… Người bệnh đã được điều trị kháng sinh, chống viêm, thuốc điều trị giun sán, bổ gan. Sau 8 ngày điều trị, tình trạng viêm phổi được cải thiện, người bệnh ổn định, được xuất viện. Tuy nhiên, bệnh nhân này phải duy trì dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, hẹn tái khám để theo dõi và điều trị giun sán.

Trước đó, hồi cuối tháng 5/2024, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận một bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn do sở thích ăn rau sống, đặc biệt là rau muống được trồng dưới ao, hồ và rau ngổ sống. Bệnh nhân cho biết bản thân rất thích các món cá nướng cuốn với rau muống và món thịt vịt quay, thịt vịt hấp ăn với rau ngổ sống.

Ngoài ra, BV đa khoa Medlatec cũng mới tiếp nhận một nữ bệnh nhân có tổn thương tại gan, lách, phổi và kết quả xét nghiệm dương tính với các loại giun sán do ký sinh trùng. Bệnh nhân tỏ ra bất ngờ khi được chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ thói quen hay ăn rau sống.

Theo báo cáo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, những năm gần đây, bệnh sán lá gan lớn gặp ở 53/60 địa phương trong cả nước, ghi nhận khoảng 10.000 - 15.000 ca bệnh/năm. PGS.TS Đỗ Trung Dũng - Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, sán lá gan lớn thường ký sinh ở các loại rau trồng dưới nước như rau cần, rau ngổ, rau muống nước, cải xoong, ngó sen... Sán lá gan lớn nếu đun sôi một vài phút sẽ chết, nhưng khi ăn các thực phẩm này chưa được nấu chín, nguy cơ nhiễm sán rất cao.

BS Trần Văn Sơn - Khoa Nội hô hấp – Tiêu hóa (BV đa khoa Phú Thọ) cho biết, khi ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể mà không được phát hiện và điều trị kịp thời, chúng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Những biến chứng này bao gồm viêm đường mật cấp tính, áp xe gan, viêm túi mật, tụ máu dưới bao gan…

Biến chứng không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Đáng lưu tâm, ký sinh trùng có thể xâm nhập vào cơ thể qua nhiều con đường: tiêu thụ thực phẩm chưa chế biến kỹ, uống nước lã, ăn rau sống, hoặc bị côn trùng đốt như muỗi, rệp… Thậm chí, việc tiếp xúc với vật chủ trung gian truyền bệnh như chó, mèo, chim cũng có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không nên ăn sống các loại rau mọc dưới nước như rau muống, rau ngổ, rau cần, rau rút...; không uống nước lã. Khi nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng, bệnh nhân phải đến cơ sở khám, chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Những người có thói quen ăn các loại rau mọc dưới nước (đầm, ao, hồ...), ăn sống hoặc không được chế biến kỹ, cũng nên đi khám, tầm soát bệnh thường xuyên.

"

GS.TS Nguyễn Văn Đề - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng (Trường Đại học Y Hà Nội) cảnh báo, nhiều bệnh ký sinh trùng truyền qua thực phẩm gây nên các thể bệnh hết sức nặng nề như bệnh giun xoắn có thể khiến tử vong và gây thành dịch, bệnh ấu trùng sán lợn gây động kinh, co giật, liệt, mù mắt, bệnh sán lá gan nhỏ gây xơ gan, ung thư gan, sán lá gan lớn gây u gan...


Theo Đại Đoàn Kết

Nhiễm giun sán vì sở thích ăn rau sống