Tại Hội thảo, các chuyên gia, bác sĩ đã thảo luận về thực trạng điều trị vô sinh nam dưới góc nhìn thực tiễn đa chiều. Đây cũng là dịp để các báo cáo viên trình bày những kết quả nghiên cứu mới, cập nhật và chia sẻ kiến thức trong chẩn đoán, phân loại từng trường hợp, từ đó tìm ra các phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.
Nguy cơ cao ở nam giới hút thuốc, béo phì
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc nằm ở độ tuổi dưới 30. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn chiếm tỉ lệ khoảng 7,7%. Tỉ lệ vô sinh do nam giới chiếm 40%, do nữ giới chiếm 40%, 10% do cả hai vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân.
Những năm gần đây nhóm nguyên nhân về vô sinh nam bắt đầu được chú ý nhiều hơn giai đoạn trước. Sau quá trình thăm khám và thực tế điều trị cho bệnh nhân, các chuyên gia, bác sĩ đã đưa ra các nhóm nguyên nhân có thể gây vô sinh nam như: do bệnh lý (tắc nghẽn đường dẫn tinh; giãn tĩnh mạch thừng tinh; xuất tinh ngược dòng; bệnh lý do nhiễm trùng…); nguyên nhân do yếu tố di truyền; thói quen lối sống không khoa học ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng tinh trùng…
Trao đổi tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quang, chủ tịch Hội Y học Giới tính Việt Nam cho biết vô sinh là một vấn đề y tế phổ biến, trong đó nguyên nhân từ phía nam giới chiếm gần một nửa các trường hợp.
Các yếu tố khác nhau góp phần vào sự bất thường trong quá trình sinh tinh trùng và dẫn đến vô sinh nam là rối loạn do môi trường, do di truyền, viêm nhiễm, nhiễm trùng, thuốc và hormone.
Và các nguyên nhân về giải phẫu như giãn tĩnh mạch tinh và tắc nghẽn đường dẫn tinh trùng. Trong đó giãn tĩnh mạch tinh là nguyên nhân phổ biến nhất có thể điều trị của vô sinh nam.
"Ngoài ra, có khoảng 10% vô sinh không rõ nguyên nhân. Thực tế chắc chắn sẽ có nguyên nhân. Đây là thách thức của các y, bác sĩ, nhà khoa học trong lĩnh vực để tìm ra các nguyên nhân này, tiến tới có phương pháp điều trị cho người bệnh", PGS Quang nói.
Ngoài các nguyên nhân do bệnh lý, PGS Quang cũng cho hay yếu tố môi trường và lối sống có tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản của nam giới. Trong đó, số lượng tinh trùng thấp hơn đáng kể ở những người hút thuốc lá điện tử và thuốc lá. Ở người thừa cân, béo phì cũng cho thấy tỷ lệ phần trăm gia tăng các thông số tinh dịch bị thay đổi. Những cậu bé thừa cân có khả năng trở thành những người đàn ông vô sinh cao hơn.
Giải trình tự gen, ứng dụng AI trong điều trị vô sinh
Theo ThS.BS Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Nam học - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội: "Trước đây với những bệnh nhân không có tinh trùng, thông thường chúng ta chỉ dừng lại ở các xét nghiệm nội tiết, xét nghiệm chỉ số sinh học, xét nghiệm nhiễm sắc thể, xét nghiệm gen AZF, siêu âm tinh hoàn… thì bây giờ chúng ta còn có những bộ xét nghiệm gen chuyên sâu hơn để sàng lọc những gen gây ảnh hưởng đến tinh trùng cho nam giới, từ đó giải trình tự gen để tìm thêm những nguyên nhân dẫn đến không có tinh trùng mà trước đây chúng ta chưa biết.
Một số trường hợp bị đột biến gen, mặc dù gen đó rất nhỏ thôi nhưng vẫn có khả năng gây ra tình trạng không có tinh trùng. Mặc dù vẫn còn nhiều tranh luận về nội dung này, tuy nhiên có thể thấy rằng việc thực hiện những xét nghiệm chuyên sâu về gen là hướng đi mới, gợi mở để các bác sĩ lâm sàng đánh giá tỷ lệ tìm thấy tinh trùng cho bệnh nhân trước mổ là bao nhiêu phần trăm, từ đó đưa đến quyết định có nên thực hiện phẫu thuật tìm tinh trùng cho bệnh nhân hay không".
PGS Nguyễn Quang cho biết thêm hiện nay đã có một số ứng dụng sử dụng AI trong chẩn đoán và tiên lượng điều trị vô sinh nam. Ứng dụng AI có thể dự đoán chính xác ở 87% nam giới được cho là có khả năng cải thiện. Điều này cho thấy những kết quả do AI đưa ra sẽ là công cụ hỗ trợ hữu ích cho các y, bác sĩ trong quá trình điều trị.
Tuy nhiên ông Quang cũng chia sẻ hiện nay trong điều trị vô sinh nam còn một số khó khăn nhất định như khó xác định nguyên nhân, di truyền học phức tạp, do tác động tâm lý, chi phí điều trị cao, tỉ lệ thành công không chắc chắn và những kỳ thị, định kiến của xã hội.
Ngoài ra, tại Hội thảo, các báo cáo khoa học về "Chuẩn bị mẫu tinh trùng bất thường nặng trong hỗ trợ sinh sản" của ThS Nguyễn Minh Đức (Trưởng Labo Hỗ trợ sinh sản); "Xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi trong vô sinh nam - Khi nào cần thiết?" của TS.BS Bùi Thị Phương Hoa (chuyên ngành Di truyền), cùng ở Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội; Báo cáo "Rối loạn phát triển giới tính và chức năng sinh sản" của PGS.TS Vũ Chí Dũng (Giám đốc Trung tâm Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền và Liệu pháp phân tử, BV Nhi Trung ương)... cũng cung cấp nhiều kiến thức, góc nhìn mới trong chẩn đoán, điều trị vô sinh…
Theo Đại Đoàn Kết