Y tế

Đột quỵ và những điều cơ bản cần biết

01/09/2024

Hiểu đúng về đột quỵ sẽ giúp chúng ta có sự thay đổi trong thói quen sống để đảm bảo được sức khoẻ và giảm thiểu rủi ro mà bệnh đột quỵ đem lại.

"Việt Nam là một trong những đất nước có tỷ lệ đột quỵ cao nhất với khoảng 200.000 người trên mỗi năm.". PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết. Theo ông, đây là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam.

Bệnh Đột quỵ là gì?

Đột quỵ hay còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vài phút nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ bắt đầu chết.

Đột quỵ xảy ra khi nào?

Đột quỵ xảy ra khi máu vận chuyển lên não bị gián đoạn hoặc khi não chảy máu. Đột quỵ được chia thành các nhóm bao gồm:

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: xảy ra khi các động mạch đến não bị tắc nghẽn bởi cục máu đông, cản trở quá trình máu lưu thông lên não. Đây là nguyên nhân chiếm khoảng 85% tổng số các ca bị đột quỵ hiện nay.

Đột quỵ do xuất huyết não: xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ và chảy máu ồ ạt gây xuất huyết não. Nguyên nhân khiến mạch máu vỡ là do thành động mạch mỏng yếu hoặc xuất hiện các vết nứt, rò rỉ ở thành động mạch.


Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thường gặp và để lại biến chứng nguy hiểm

Các dấu hiệu của đột quỵ

Đột quỵ có các dấu hiệu có thể xuất hiện và biến mất rất nhanh, lặp lại nhiều lần. Tuỳ thể trạng sức khoẻ của mỗi người mà dấu hiệu đột quỵ khác nhau. Chúng ta nên lắng nghe cơ thể của mình khi xuất hiện các triệu chứng sau, cần chủ động đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được kiểm tra sức khoẻ:

Cơ thể mệt mỏi, suy nhược, không còn sức lực.

Mặt cảm giác tê cứng hoặc tê cứng một nửa mặt, nụ cười bị méo mó.

Chân tay khó cử động hoặc không thể cử động. Một bên cơ thể bị tê liệt. Không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc.

Nói khó phát âm, không rõ chữ, bị dính chữ hoặc bị nói ngọng bất thường. Không thể trả lời hoặc nhắc lại những câu đơn giản khi người khác hỏi chuyện.

Hoa mắt, chóng mặt, người không thể thăng bằng, không phối hợp hoạt động phản xạ cơ bản.

Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ.

Bị đau đầu dữ dội, cơn đau đầu đến nhanh gây choáng váng.

Bị buồn nôn hoặc nôn.

Ngoài các dấu hiệu trên, người bệnh có thể gặp các "cơn thiếu máu não thoáng qua" với các triệu chứng giống đột quỵ nhưng chỉ xảy ra vài phút. Biểu hiện này chính là dấu hiệu cảnh báo tình trạng đột quỵ sắp xuất hiện trong thơi gian sắp tới. Các bạn cần đi thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra tình hình sức khoẻ.

"Thời gian vàng" của bệnh đột quỵ

"Thời gian vàng" cho bệnh đột quỵ tuỳ thuộc vào thể loại đột quỵ và thời điểm mà người bệnh được đưa đến bệnh viện. Đối với bệnh đột quỵ thì được đưa đến các trung tâm cơ sở y tế để được cấp cứu càng sớm càng tốt. Trong 3-6 giờ đầu tiên sau khi đột quỵ xảy ra là thời điểm tốt nhất để thực hiện cấp cứu đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Sau 6 giờ và có thể đến 24 giờ thường áp dụng kỹ thuật can thiệp mạch, phẫu thuật.

Nếu để thời gian cấp cứu kéo dài, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là gây tử vong.

Các biến chứng mà đột quỵ để lại là rất lớn nếu không được cấp cứu kịp thời. Hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khoẻ suy yếu hoặc mắc các di chứng như liệt hoặc cử động yếu một phần cơ thể, méo miệng, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, suy giảm thị giác, khó khăn cử động và di chuyển,…



Tận dụng "thời gian vàng" để đưa người có dấu hiệu đột quỵ đi cấp cứu

Các nguyên nhân gây đột quỵ

Yếu tố là nguy cơ đột quỵ:

Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi: tuổi tác, giới tính, di truyền, tiền sử đau nửa đầu, loạn sản xơ cơ.

Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi: huyết áp cao, tiểu đường, bệnh tim, rối loạn lipid máu, thiếu máu não thoáng qua, hẹp động mạch cảnh, béo phì, sử dụng thuốc tránh thai hoặc thuốc hoocmon sau mãn kinh, hồng cầu hình liềm, tăng homocysteine máu.

Yếu tố bệnh lý:

Tiền sử đột quỵ: Người có tiền sử bị đột quỵ có nguy cơ cao dễ bị đột quỵ lần tiếp theo, nhất là trong vài tháng đầu sau đột quỵ. Nguy cơ đột quỵ giảm dần theo thời gian.

Đái tháo đường, các bệnh tim mạch: Có khả năng cao làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Cao huyết áp: Cao huyết áp gây gia tăng sức ép lên thành động mạch, lâu dần khiến thành động mạch bị tổn thương dẫn đến xuất huyết não. Ngoài ra, cao huyết áp còn tạo điều kiện cho các cục máu đông hình thành, cản trở quá trình lưu thông máu lên não.

Mỡ máu: Cholesterol cao có thể tích tụ trên thành động mạch và tạo thành vật cản gây tác nghẽn mạch máu não.

Thừa cân, béo phì: Người bị thừa cân béo phì có thể dẫn đến nhiều bệnh như cao huyết áp, mỡ máu, tim mạch. Tăng nguy cơ bị đột quỵ.

Hút thuốc: Người hút thuốc có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 2 lần. Khói thuốc làm tổn thương thành mạch và làm gia tăng xơ cứng động mạch. Thuốc lá gây hại cho phổi và khiến tim làm việc nhiều hơn, gây tăng huyết áp.

Lối sống không lành mạnh: Ăn uống không điều độ, không cân bằng đầy đủ dưỡng chất, lười vận động, sinh hoạt không khoa học, thiếu ngủ hoặc ngủ quá nhiều, uống đồ có cồn, sử dụng chất kích thích… đều là những nguyên nhân gây ra đột quỵ.

Các biện pháp phòng ngừa đột quỵ

Chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học

Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng hình thành các bệnh lý liên quan đến tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu,… đây chính là những nguyên nhân gây bệnh đột quỵ:

Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên xào, thức ăn nhanh

Hạn chế các loại đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường

Ăn nhiều các loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc

Ăn nhiều thịt trắng, trứng, hải sản để bổ sung protein cho cơ thể, hạn chế ăn các loại thịt đỏ

Uống nhiều nước lọc, nước trái cây,…

Tập thể dục hàng ngày

Tập thể dục giúp cơ thể được tuần hoàn máu, sức khoẻ nâng cao, giúp tim khoẻ mạnh, giảm nguy cơ đột quỵ.

Không hút thuốc lá

Hút thuốc lá làm tăng khả năng bị đột quỵ, gây hại cho sức khoẻ của chính mình và những người xung quanh khi hít phải khói thuốc thụ động.

Giữ ấm cơ thể

Nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp, đặc biệt là đối với người lớn tuổi trong thời điểm giao mùa. Cần giữ ấm cơ thể để giảm thiểu tối đa nguy cơ bị đột quỵ.

Kiểm tra sức khoẻ định kỳ

Nên kiểm tra sức khoẻ định kỳ để sớm phát hiện các yếu tố là nguy cơ gây đột quỵ và có thể can thiệp giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả. Đặc biệt là những người có các yếu tố bệnh lý có thể dễ bị đột quỵ cần khám sức khoẻ định kỳ để kiểm tra các chỉ số đảm bảo không vượt mức nguy hiểm gây ra đột quỵ.

Giữ tinh thần, trạng thái tốt

Bên cạnh lối sống lành mạnh về ăn uống, khoa học trong bảo vệ sức khoẻ, tập thể dục thường xuyên thì cần chú trọng đến việc cố gắng kiểm soát trạng thái cảm xúc tích cực và tinh thần lạc quan, vui vẻ để giúp máu và oxi được hoạt động tuần hoàn, giúp cơ thể được khoẻ mạnh, dẻo dai.

Phương Lan 

Theo AVN

Đột quỵ và những điều cơ bản cần biết