Hơn 200.000 ca đột quỵ mỗi năm
Mỗi năm trên thế giới có khoảng 12.2 triệu ca đột quỵ mỗi năm. Cứ 3 giây có 1 người bệnh đột quỵ trên thế giới. Tại Việt Nam mỗi năm ghi nhận hơn 200.000 ca bệnh và con số đáng báo động này đang ngày càng leo thang và trẻ hóa.
Bệnh viện (BV) đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận một bệnh nhân bị đột quỵ sau khi bị đau đầu. Theo đó, bệnh nhân nữ, 39 tuổi được đưa vào viện trong tình trạng đau đầu, khó nói, co giật. Trước khi nhập viện 5 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau đầu vùng trán, thái dương 2 bên, cảm giác bị chậm chạp hơn bình thường, không rõ sốt. Bệnh nhân đi khám tại bệnh viện huyện, được kê đơn thuốc về dùng, bệnh cải thiện ít. Trước khi vào viện khoảng 1 giờ, khi đang phơi quần áo, bệnh nhân bị ngã xuống đất, mắt mở, không nói được. Người nhà ngay lập tức gọi xe đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
Tại BV đa khoa Hùng Vương, qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng bước đầu, bệnh nhân được chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch vỏ não vùng đỉnh 2 bên và phần trước xoang dọc trên - Nhồi máu vỏ não đỉnh phải. Bệnh nhân đã được theo dõi và điều trị phối hợp nhiều phương thức để cải thiện các triệu chứng thần kinh, ngăn ngừa biến chứng cũng như phòng ngừa các nguy cơ tái phát đồng thời tiếp tục tìm kiếm nguyên nhân gây bệnh.
Trường hợp bệnh nhân nữ ở trên là lời cảnh báo đến những người trẻ, đặc biệt những người ở độ tuổi dưới 40. Số liệu từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) chỉ rằng, hiện độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, tỷ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Theo BS Phạm Văn Cường - Trung tâm Đột quỵ não (BV Trung ương Quân đội 108), có rất nhiều nguyên nhân chủ yếu khiến người trẻ tuổi mắc đột quỵ não bao gồm bệnh lý dị dạng mạch máu não, hút thuốc lá, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, bệnh béo phì và lười vận động, đái tháo đường và tăng huyết áp, uống rượu bia… Trong đó, các nghiên cứu cho thấy khoảng 50% số bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi có hút thuốc lá. Ngoài ra, người trẻ tuổi với thói quen ăn uống có hại sức khỏe như ăn quá nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn sẽ ngày càng đối diện với các bệnh lý mạch máu lớn và nhỏ sớm hơn, dẫn tới bệnh lý đột quỵ, tim mạch. Một trong những nguyên nhân lớn nữa đó là tình trạng uống rượu bia rất cao tại Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá mức tiêu thụ rượu bia của người Việt ở bậc cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Uống rượu bia, đặc biệt là rượu nặng có liên quan chặt chẽ đến sự tăng lên của bệnh lý chảy máu não ở bệnh nhân trẻ tuổi.
Đột quỵ là một căn bệnh rất nguy hiểm, có thể gây tử vong hoặc tàn phế suốt đời nhưng rất ít trường hợp đột quỵ ở Việt Nam đến bệnh viện trong 6 giờ đầu – "thời gian vàng" để cứu sống người bệnh. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, để phòng ngừa đột quỵ, người dân cần hiểu rõ các triệu chứng khởi phát đột quỵ não như: Méo miệng, nói ngọng, tê yếu tay chân, mất thăng bằng, nhìn mờ,… khẩn trương đưa người bệnh tới bệnh viện điều trị đột quỵ não, kịp "giờ vàng" để cứu tính mạng.
TS.BS Đinh Thị Hải Hà - Khoa Đột quỵ (BV Trung ương Quân đội 108) nhấn mạnh, đối với người bị đột quỵ não, "thời gian là vàng", thời gian là não. Do vậy cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện nhanh nhất trong 3 giờ đầu.
"Trong mỗi phút của một cơn đột quỵ, não bị mất đi khoảng 2 triệu tế bào, mỗi giờ trôi qua, bộ não sẽ bị lão hóa một khoảng thời gian tương đương với 3,5 năm. Bởi vậy thời gian là não đối với bệnh nhân đột quỵ. Khi phát hiện các dấu hiệu báo động đột quỵ, cần chuyển ngay tới các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ. Nếu được cấp cứu trong vòng 4, 5 giờ bệnh nhân có thể được tái thông bằng thuốc tiêu sợi huyết truyền tĩnh mạch, nếu trong vòng 6 giờ, bệnh nhân bị tắc mạch não lớn có thể được tái thông bằng dụng cụ cơ học, giúp bệnh nhân hồi phục hoặc giảm thiểu các di chứng" – BS Hà nhấn mạnh.
"
Đột quỵ là một căn bệnh rất nguy hiểm, có thể gây tử vong hoặc tàn phế suốt đời nhưng rất ít trường hợp đột quỵ ở Việt Nam đến bệnh viện trong 6 giờ đầu – "thời gian vàng" để cứu sống người bệnh.
Theo Đại Đoàn Kết