Dịch sốt xuất huyết đang lưu hành quanh năm
Trước nguy cơ dịch bệnh không còn theo mùa, các chuyên gia cảnh báo sốt xuất huyết (SXH) đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi không còn mang tính chu kỳ, có xu hướng mở rộng các vùng lưu hành dịch.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận trường hợp tử vong vì SXH. Cụ thể, bệnh nhân tại Đắk Lắk khởi phát các triệu chứng sốt cao liên tục từ ngày 20/9, kèm đau đầu, người mệt, dùng thuốc hạ sốt nhưng không đỡ. Do đó, bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa Hòa Bình (thị xã Buôn Hồ) để thăm khám, điều trị.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển viện các tuyến trên, nhưng do bệnh có dấu hiệu nặng nên ngày 24/9, bệnh nhân được chuyển viện đến Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM. Dù tích cực điều trị nhưng tình trạng bệnh nhân rất nặng, do đó, ngày 27/9, gia đình xin bệnh nhân ra viện. Khi về đến Đắk Lắk, bệnh nhân đã tử vong ngày 28/9 tại nhà riêng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk cho hay, sau khi ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong vì SXH, đơn vị đã nhanh chóng phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp kiểm tra, xử lý vệ sinh môi trường, điều tra nguồn bệnh.
Theo thống kê từ Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến giữa tháng 9/2024, cả nước ghi nhận gần 60.000 ca mắc SXH, 6 ca tử vong trong số đó. TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét – Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương) nhận định, hiện nay chúng ta thấy dịch SXH đã không còn theo chu kỳ (cứ khoảng 3-4 năm lại bùng phát mạnh); bởi nó không còn phù hợp với tình hình hiện nay.
Minh chứng là năm 2022 và 2023 tuy không phải năm chu kỳ bùng phát dịch, nhưng đều là những năm có tỷ lệ mắc SXH rất cao trong lịch sử ở Hà Nội. Nếu cứ căn vào cho rằng dịch SXH diễn ra theo chu kỳ 3-4 năm thì mỗi người sẽ rất chủ quan trong phòng dịch, dịch dễ bùng phát mạnh.
Lý giải về nguyên nhân bệnh SXH ngày càng tăng, ông Dũng cho rằng đây là "bệnh đô thị", đô thị càng phát triển thì SXH càng lan rộng. Bởi muỗi truyền bệnh SXH Dengue là muỗi Aedes (thường gọi là muỗi vằn), chủ yếu sống ở các khu dân cư đông đúc; nhất là những khu vực đông dân, vệ sinh môi trường chưa tốt như các khu vực có nhiều người dân thuê trọ, điều kiện sinh hoạt tạm bợ, chưa chú trọng việc thu gom phế thải… Trong khi đó, số lượng cán bộ y tế có hạn. Hơn thế, trước đây, giá thuê phun thuốc là khoảng 180.000-200.000/ngày công nhưng hiện nay chưa có hướng dẫn mới về định mức giá. Vì vậy, nhiều nơi đã mua hóa chất xong rồi nhưng chưa thể triển khai phun.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, trước đây đỉnh dịch SXH tại Việt Nam thường xảy ra vào mùa mưa, từ tháng 6 - 11. Nhưng gần đây, tháng nào các cơ sở y tế cũng ghi nhận các ca bệnh, bao gồm cả các trường hợp nguy hiểm đến tính mạng.
Hơn nữa, nếu trước đây các ổ dịch thường tập trung tại khu vực miền Trung và Nam thì nay, SXH đã dần được ghi nhận ở miền Bắc. Thực trạng này cho thấy cần phải gia tăng nguồn lực và bổ sung biện pháp dự phòng SXH chủ động như tiêm chủng khi có vaccine.
Nhằm chủ động giảm thiểu gánh nặng từ căn bệnh này, vừa rồi chiến dịch triển khai tiêm chủng vaccine phòng SXH đã và đang được kỳ vọng sớm đẩy lùi dịch SXH trong cộng đồng, giảm ca mắc ở những vùng có nguy cơ, góp phần toàn diện hóa chiến lược phòng chống SXH hiện nay.
Theo Hệ thống tiêm chủng VNVC, vaccine có phác đồ tiêm gồm 2 mũi cách nhau 3 tháng cho trẻ từ 4 tuổi trở lên đến người lớn, có hiệu quả bảo vệ lâu dài, giúp cơ thể sinh miễn dịch bền vững. Nếu ngăn chặn được ca bệnh mới cũng như tỉ lệ bệnh nhân nhập viện, đây sẽ là vũ khí mới trong phòng chống SXH.
Theo Đại Đoàn Kết