Nhịp cầu điều dưỡng

Tết ở trung tâm dưỡng lão Diên Hồng: Niềm vui đặc biệt của những người ở lại

Tuấn Minh 17/01/2025 11:18

Trong không khí rộn ràng của mùa xuân, khi khắp nơi đang ngập tràn tiếng cười và niềm vui đoàn tụ, ở trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, một câu chuyện ấm áp đang âm thầm diễn ra.

Các điều dưỡng viên hưỡng dẫn người cao tuổi chơi các trò chơi tại hội chợ xuân do trung tâm tổ chức.

Những điều dưỡng viên tại đây đã quyết định gác lại niềm vui sum họp cùng gia đình, ở lại trung tâm để chăm sóc cho những người cao tuổi – những cụ ông, cụ bà không còn nơi nào để trở về hoặc không thể về nhà trong dịp Tết. Với trái tim tràn đầy yêu thương, họ đã biến sự hy sinh lặng lẽ ấy thành một ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn, mang đến cho các cụ một mùa xuân thật sự ý nghĩa, nơi niềm vui không chỉ nằm ở những điều lớn lao, mà còn trong những khoảnh khắc gần gũi và sự quan tâm giản dị.

Khi mình đam mê với công việc thì ở lại ăn Tết cùng các cụ cũng rất ý nghĩa

Các điều dưỡng viên của trung tâm dưỡng lão Diên Hồng nở những nụ cười hạnh phúc khi nhìn thấy các cụ khoẻ mạnh tham gia các hoạt động ngoại khoá.

Hầu hết các bạn điều dưỡng viên tại Diên Hồng đều đến từ các tỉnh xa. Và Tết là dịp hiếm hoi để họ về quê sum vầy cùng gia đình, người thân sau một năm bận rộn. Nhưng họ đã chọn ở lại, trực xuyên Tết, để đảm bảo các cụ có một mùa xuân thật trọn vẹn.

Điều dưỡng Đặng Thị Huế (31 tuổi, Hà Nam) đã trải qua bảy năm làm việc xa quê với những cái Tết không ở nhà. Hai năm làm tại Diên Hồng cũng là hai năm trực Tết, cùng ăn, cùng trò chuyện và đón Tết bên các cụ. Chia sẻ về trải nghiệm này, Đặng Huế tâm sự: "Khi mình yêu công việc thì ở lại ăn Tết cùng các cụ cũng rất ý nghĩa."

Bạn kể lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong đêm giao thừa: "Các cháu điều dưỡng viên cùng các cụ xuống sân cúng giao thừa, chờ đón thời khắc chuyển giao năm mới. Sau đó, cả nhóm đi từng phòng chúc Tết và mừng tuổi các cụ. Có cụ còn nhắn nhờ mình xông đất đầu năm nữa". Nhắc đến những kỷ niệm ấy, Huế tươi cười: "Ở nhà cũng vui, nhưng làm sao có được những kỷ niệm đặc biệt như thế này".

Việc đi làm xa nhà trong nhiều năm khiến bố mẹ Huế cũng dần quen với những cái Tết thiếu vắng con gái. Dù không thể về nhà, Huế vẫn luôn cảm nhận được tình yêu thương và sự ủng hộ từ bố mẹ, những người luôn bên cạnh động viên cô trong mọi quyết định. Hiện tại, đối với Huế, niềm vui chính là mang lại một mùa xuân hạnh phúc cho những người như chính ông bà của mình.

Niềm vui của các cụ là niềm hạnh phúc của nhân viên điều dưỡng ở lại chăm sóc dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Điều dưỡng Cao Ánh Vân (32 tuổi, Thanh Hóa), một trong những gương mặt thân quen tại Diên Hồng vào mỗi độ Tết đến vì năm nào bạn cũng tham gia trực. Với Ánh Vân, mỗi cái Tết ở Diên Hồng đều là một hành trình đặc biệt, đầy cảm xúc và ý nghĩa.

Cùng tham gia trực Tết suốt 6 năm qua, Ánh Vân nhớ lại lần đầu tiên với cảm xúc khó quên: "Lúc đó mình vừa háo hức, vừa tò mò không biết không khí Tết ở trung tâm sẽ như thế nào. Các cụ sẽ ăn Tết ra sao? Có cụ nào về nhà cùng con cháu không? Hay ca trực của mình sẽ thế nào, trực với ai? Chúng mình còn rủ nhau đêm Giao thừa đi đến từng phòng để chúc Tết các cụ. Nghĩ thôi cũng đã thấy vui rồi." Nhưng khi nhìn đồng nghiệp lần lượt về quê ăn Tết mình vừa hụt hẫng, vừa tủi thân. Đến bây giờ sau nhiều năm đi trực mình không còn buồn nữa, mà thấy tự hào. "Nhìn các cụ vui vẻ trong ngày Tết, mình hiểu rằng sự có mặt của mình không chỉ là công việc, mà còn là những người thắp lửa yêu thương cho các ông bà trong ngày đặc biệt này".

Sự tận tình của điều dưỡng viên đã cho các cụ sự yên tâm tuyệt đối khi được chăm sóc tại TT dưỡng lão Diên Hồng.


Bạn Minh, một điều dưỡng viên gắn bó với Diên Hồng hơn 3 năm, tâm sự:

"Tết là lúc nhớ nhà nhất, nhớ mẹ đang nấu bánh chưng, nhớ tiếng cười của các em nhỏ. Nhưng khi nhìn các cụ vui vẻ ngồi bên mâm cơm tất niên, kể chuyện Tết xưa, mình lại thấy lựa chọn ở lại của mình thật ý nghĩa. Các cụ không chỉ là người mình chăm sóc, mà còn giống như gia đình thứ hai vậy."

Khác với Đặng Huế và Ánh Vân, năm nay là năm đầu tiên đón Tết xa nhà của điều dưỡng Trần Đại Anh (24 tuổi, Thanh Hóa). "Năm nay em trực Tết cả hai ca, em rất hào hứng vì được đón Tết cùng các cụ và anh chị đồng nghiệp. Nhưng cũng có chút buồn vì không được đón giao thừa cùng gia đình" Đại Anh chia sẻ.

Đối với Đại Anh, Tết ở nhà là khoảng thời gian quây quần bên mẹ và chị gái. Cả gia đình cùng nhau đi chợ sắm Tết, tới thăm ông bà, họ hàng và cùng nhau chia sẻ những vui buồn trong một năm đã qua. Mặc dù nhớ nhà nhưng anh chàng điều dưỡng trẻ sẽ thường xuyên gọi video về cho mẹ và chị. Có lẽ năm nay sẽ là một cái Tết đáng nhớ với Đại Anh.

Gác lại nỗi nhớ, mang Tết đến gần hơn

Từ các cụ đến những người chăm sóc đều cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và không còn cảm giác nhớ nhà khi ở lại ăn tết tại trung tâm.

Không chỉ chăm sóc các cụ chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ, các bạn điều dưỡng còn là người mang không khí Tết vào từng góc nhỏ của trung tâm. Từ việc cùng các cụ trang trí cành đào, gói bánh chưng, đến tổ chức các hoạt động ngày Tết như chợ Tết, Tất niên. "Nhìn các cụ háo hức đi chợ Tết hay quây quần nói cười rôm rả bên mâm cơm tất niên mình cảm nhận được ý nghĩa thực sự của công việc này. Diên Hồng không chỉ là nơi chăm sóc mà còn là ngôi nhà thứ hai cho các cụ", điều dưỡng Ánh Vân chia sẻ.

Những câu chuyện về một cái Tết xa quê không chỉ là sự hy sinh mà đó còn là sự tận tâm với nghề. Dù không đón Tết cùng gia đình nhưng cả người cao tuổi cùng cán bộ nhân viên đều cảm nhận được rằng họ không cô đơn. Đôi khi, hạnh phúc không nằm ở nơi ta ở, mà nằm trong những gì ta mang đến cho mọi người.  

Tuấn Minh