Y tế

Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện: Còn nhiều thách thức

TCĐDVN 16/01/2025 16:00

Nhiễm khuẩn bệnh viện đã và đang làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng thời gian sử dụng kháng sinh, làm tăng tình trạng kháng kháng sinh và chi phí điều trị cho người bệnh.

bai chinh
Thực hiện công tác vệ sinh, tránh nhiễm khuẩn bệnh viện tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) Ảnh: BVCC.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhiễm khuẩn bệnh viện nằm trong số những sự cố bất lợi phổ biến nhất xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ y tế. Tình trạng này xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là hệ thống y tế của các nước phát triển và nước đang phát triển đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của nhiễm khuẩn bệnh viện.

Thống kê của WHO cho thấy, tại các nước có thu nhập cao và trung bình, cứ 100 bệnh nhân nhập viện thì có 7 người mắc ít nhất một loại nhiễm khuẩn bệnh viện trong thời gian nằm viện. Tỷ lệ này tại các nước có thu nhập dưới trung bình là 15/100 người bệnh và thời gian nằm viện của bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn bệnh viện kéo dài thêm từ 5 ngày đến 29,5 ngày.

Theo TS.BS Trần Trọng Dương - Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện 19-8, Bộ Công an), nhiễm khuẩn bệnh viện là nhiễm khuẩn bắt đầu xảy ra sau khi người bệnh nhập viện sau 48 giờ mà trước đó người bệnh không có biểu hiện nhiễm khuẩn hay bất kỳ dấu hiệu nào đang trong thời kỳ ủ bệnh. Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó các yếu tố thuận lợi gây nhiễm khuẩn bệnh viện có thể kể đến như việc nhiều người bệnh bị nhiễm khuẩn vào bệnh viện khám, điều trị dẫn tới nhiều vi sinh vật gây bệnh cư trú ở bệnh viện hoặc do nhân viên y tế tiếp xúc thường xuyên với vi sinh vật nên trở thành người lành mang mầm bệnh và có thể lây nhiễm cho người khác. Một yếu tố khác là do nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc mức độ cao, đa kháng thuốc do quá trình sử dụng kháng sinh qua nhiều thế hệ và có sự chọn lọc các vi khuẩn kháng thuốc đồng thời, người bệnh nằm viện có hệ miễn dịch giảm sút do bệnh tật, tuổi cao, do dùng thuốc hoặc hóa chất gây suy giảm miễn dịch.

Một trong những thách thức đáng lo ngại nhất của nhiễm khuẩn bệnh viện là sự gia tăng của các vi khuẩn kháng thuốc. Ước tính hằng năm trên toàn thế giới có khoảng 136 triệu ca nhiễm khuẩn bệnh viện do vi sinh vật kháng thuốc gây ra. Tình trạng này không chỉ làm tăng tỷ lệ tử vong, giảm hiệu quả điều trị, kéo dài thời gian điều trị, tăng chi phí chăm sóc sức khỏe mà còn làm tăng nguy cơ lây lan nhiễm khuẩn kháng thuốc trong bệnh viện và ra cộng đồng.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, thống kê sơ bộ từ Hệ thống báo cáo số liệu giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện quốc gia cho thấy, các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh có tỷ lệ kháng thuốc cao ở một số vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết và nhiễm khuẩn tiết niệu bệnh viện. Bà Hà Thị Kim Phượng - Trưởng phòng Điều dưỡng - Dinh dưỡng - Kiểm soát nhiễm khuẩn, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, cả nước có 96 bệnh viện tham gia giám sát và thực hiện báo cáo trong mạng lưới giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện quốc gia. Kết quả có những báo cáo về nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tiết niệu do vi sinh vật kháng thuốc. Nhưng có khó khăn là số lượng khoa Hồi sức tích cực tham gia chưa nhiều, chủ yếu là hồi sức tích cực nội. Các loại khoa khác tham gia với số lượng ít nên dữ liệu chưa đại diện được. Cùng với đó, còn một số khó khăn trong triển khai dẫn tới chất lượng dữ liệu giám sát chưa ổn định ở tất cả các đơn vị. Tỷ lệ đề kháng kháng sinh có thể cao hơn thực tế do một số trường hợp nhiễm khuẩn được điều trị kháng sinh mà không có chỉ định nuôi cấy, do đó làm giảm tỷ lệ thật của các chủng còn nhạy cảm với kháng sinh…

Tại Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2025-2030 vừa được Bộ Y tế ban hành, cơ quan này nhận định, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại và thách thức cần được giải quyết.

Cụ thể, theo Bộ Y tế, kết quả đánh giá từ 1.259 bệnh viện trong toàn quốc năm 2024 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho thấy hệ thống quản lý, điều hành các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn đã được thiết lập tại các cấp nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, 25,6% bệnh viện chưa bảo đảm 1 nhân lực giám sát/150 giường bệnh, chỉ có 78% bệnh viện có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn hoạt động thường xuyên hiệu quả, thiết lập và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu của hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn chỉ đạt 67,6%; việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm phổi bệnh viện chỉ đạt mức khoảng 70%.

Bộ Y tế cũng đánh giá, với mô hình bệnh tật của nước nhiệt đới có thu nhập trung bình thấp, các bệnh nhiễm khuẩn chiếm tỷ lệ cao, nhiều bệnh dịch mới nổi có nguy cơ tử vong cao và gây dịch xuất hiện không chỉ tại cộng đồng mà ngày càng có xu hướng lây lan mạnh trong bệnh viện, như cúm A, SARS, MER-CoV, SARS-CoV-2,... đây là một thách thức lớn trong công tác kiểm soát và ngăn ngừa bệnh dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

"

Để phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện, các chuyên gia y tế khuyến cáo: Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ và phải tuân thủ đúng đơn thuốc của bác sĩ. Giữ tay sạch là biện pháp quan trọng. Thường xuyên làm sạch tay bằng xà phòng và nước hoặc chế phẩm vệ sinh tay chứa cồn. Luôn nhớ vệ sinh tay trước khi chạm vào bất kỳ thiết bị y tế nào, trước khi ăn và sau khi sử dụng nhà vệ sinh, nhà tắm…

Yêu cầu những người hỗ trợ chăm sóc người bệnh (khách thăm, thân nhân) luôn vệ sinh tay trước mỗi lần thay băng, cho ăn, tắm, chăm sóc vết loét… Những người bệnh hút thuốc lá có nguy cơ mắc nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn. Nếu người bệnh đang hút thuốc hãy trao đổi với bác sĩ về cách cai thuốc lá.

Nếu người bệnh ho hoặc hắt hơi, hãy che miệng và mũi bằng khăn giấy và loại bỏ ngay vào thùng thu gom chất thải theo quy định. Nếu người bệnh đang phải đặt thiết bị y tế trên cơ thể (ống thông tiểu, ống thông mạch máu…), hãy hỏi bác sĩ lý do vì sao phải đặt và khi nào sẽ tháo bỏ được những thiết bị này ra khỏi cơ thể…

Theo Đại Đoàn Kết

TCĐDVN