Y tế

Trí tuệ nhân tạo: Thay đổi ngành y tế

TCĐDVN 13/12/2024 14:33

Trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ giúp tối ưu hóa các quy trình trong ngành y tế, giảm tải công việc cho các bác sĩ và chuyên gia y tế, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cá nhân hóa điều trị, từ đó cải thiện kết quả chăm sóc sức khỏe và tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Anh cv
Ứng dụng robot phẫu thuật điều trị ung thư tại Bệnh viện K (Hà Nội). Ảnh: Dương Toàn.

Robot hỗ trợ phẫu thuật

Ông Trương Văn Doanh (90 tuổi, TPHCM) nhập viện trong tình trạng yếu liệt nửa người phải, nói ú ớ. Kết quả CT não ghi nhận ổ xuất huyết của người bệnh khoảng 50-60 ml, nằm sâu 6 cm trong não và lan tỏa ra đến vỏ não. Nguy hiểm hơn, các bác sĩ xác định bệnh nhân đến viện rất muộn, sau 72 giờ đột quỵ xuất huyết não, điều này đồng nghĩa với việc bỏ lỡ thời gian "vàng" trong cấp cứu đột quỵ, nếu không mổ khẩn cấp, người bệnh đối mặt nguy cơ tử vong.

Trước tình thế khẩn cấp, các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh đã quyết định thực hiện phương pháp mổ não thức tỉnh, không gây mê toàn thân, tức là bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình mổ, với sự hỗ trợ của robot AI Modus V Synaptive.

BSCKII Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Thần kinh (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh) cho biết: "Người bệnh lớn tuổi, có nhiều bệnh nền tiểu đường, huyết áp, tim mạch. Nếu mổ theo phương pháp truyền thống, gây mê toàn thân, bệnh nhân dễ lệ thuộc vào máy thở gây mê nội khí quản. Kéo dài vài ngày nằm hồi sức, bệnh nhân còn dễ bị viêm phổi sau mổ. Lượng thuốc mê lớn tồn tại ở gan, thận, cũng ảnh hưởng sức khỏe. Trong khi đó, phương thức mổ não tỉnh thức bằng robot AI Modus V Synaptive rất hiệu quả khi áp dụng cho các trường hợp như thế này. Đương nhiên, độ khó và nguy hiểm của mổ não thức tỉnh cao hơn nhiều lần so với mổ có gây mê toàn thân. Trường hợp không có máy móc tân tiến và kỹ thuật gây tê cục bộ chính xác, ca mổ thức tỉnh khó thực hiện được".

Ca phẫu thuật nhanh chóng được bắt đầu. Ngay khi ê kíp mở màng não, một ít máu tụ trào ra theo áp lực trong sọ. Các bác sĩ hút toàn bộ khối máu tụ khoảng 60ml, đa số máu tụ là máu đen, đặc với những cục máu đông. Cánh tay robot có khả năng di động linh hoạt, giúp bác sĩ quan sát ở nhiều góc độ khác nhau, hút hết khối máu tụ và cầm máu hiệu quả.

Trong quá trình mổ, bác sĩ có thể nói chuyện với người bệnh để kiểm tra các chức năng thần kinh. Người bệnh hiểu nhưng chỉ ú ớ, nâng được một chân chưa bị liệt lên. Các chỉ số sinh tồn và chức năng của người bệnh được kiểm soát nghiêm ngặt.

Sau 30 phút hút hết máu tụ, não bệnh nhân xẹp xuống và mạch máu đập rõ. Sau mổ, bệnh nhân hồi tỉnh, dùng thuốc chống đông sau 24 giờ để hạn chế bệnh nền rung nhĩ, tránh tái đột quỵ. Một tuần sau, ông Doanh hồi phục, tỉnh táo, ăn uống, đi lại và nói chuyện được.

Còn tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh, AI, robot đang được cơ sở y tế này cập nhật và triển khai trong điều trị các bệnh cơ xương khớp, phục hồi chức năng, kết hợp với giải pháp y học cổ truyền.

PGS.TS Lê Mạnh Cường - Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho hay, trong điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, phục hồi chức năng rất quan trọng. Việc ứng dụng AI và robot trong điều trị bệnh cơ xương khớp và phục hồi chức năng đem lại hiệu quả cao, tăng độ chính xác, giúp nhanh chóng phục hồi chức năng của cơ thể. Cụ thể hơn, robot giúp phục hồi chức năng có khả năng thu thập các tín hiệu điện cơ tự nhiên từ cơ bắp của bệnh nhân và phân tích chúng. Điều này giúp xác định hoạt động và biểu hiện cảm xúc của cơ bắp, từ đó tăng khả năng chẩn đoán và điều chỉnh trong quá trình phục hồi. Bên cạnh đó, robot cũng tạo ra tín hiệu phản hồi âm thanh, hình ảnh và rung cơ bắp để hướng dẫn và khích lệ bệnh nhân trong quá trình tập luyện. Tín hiệu phản hồi này giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về hoạt động cơ bắp và thực hiện các động tác một cách chính xác.

bai chinh
Ứng dụng robot trong phẫu thuật nội soi điều trị ung thư. Ảnh: Bệnh viện K.

AI chẩn đoán, sàng lọc bệnh

Không chỉ mang lại những ích lợi khổng lồ trong lĩnh vực giải phẫu bệnh, AI cũng đang mang lại những thay đổi mạnh mẽ trong việc chẩn đoán và hỗ trợ các nhân viên y tế cùng người dân trong điều trị bệnh.

Gần đây, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam thông tin, nhờ ứng dụng AI vào hoạt động chẩn đoán, sàng lọc bệnh, trong "Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2024" đã sàng lọc bệnh cho hơn 1 triệu người dân.

Được biết, trong khuôn khổ Hành trình, người dân đăng ký tham gia được tư vấn sức khỏe và sàng lọc cho người có yếu tố nguy cơ, với các hoạt động khám bệnh tổng quát, chụp X-quang, siêu âm, điện tim, kiểm tra đường huyết cùng nền tảng chẩn đoán, sàng lọc bệnh qua AI.

Phó Chủ tịch Thường trực – Tổng Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Nguyễn Hữu Tú cho biết: Chúng tôi ứng dụng sàng lọc qua bộ câu hỏi sử dụng AI, có so sánh kết quả X-quang của bác sĩ và kết quả do AI đọc. Các bệnh viện tham gia được giới thiệu các phần mềm kỹ thuật số phục vụ sàng lọc và chẩn đoán bệnh ban đầu theo bộ câu hỏi hoặc hình ảnh học như X-quang với AI".

Theo PGS.TS Đào Việt Hằng, Trung tâm Nội soi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Chủ nhiệm Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, AI ngày càng được ứng dụng mạnh mẽ trong y tế, giúp tầm soát các bệnh lý dễ dàng hơn. Ngoài phim chụp X-quang, nhiều bệnh viện đã có các phần mềm tích hợp thuật toán AI giúp phát hiện chẩn đoán ung thư gan trên CT-Scaner hoặc cộng hưởng từ. Cũng trong lĩnh vực nội soi và giải phẫu bệnh, AI đã giúp giảm thiểu sai sót và nâng cao độ chính xác trong chẩn đoán. Một ví dụ khác là các ứng dụng trên smartphone dành cho bệnh nhân tiểu đường, huyết áp cao, hay viêm gan B. AI không chỉ nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc đúng giờ mà còn đưa ra các bộ câu hỏi giúp phân tầng nguy cơ bệnh lý, phát hiện dấu hiệu cảnh báo sớm khi người bệnh có nguy cơ biến chứng. Điều này giúp người bệnh kết nối sớm với cơ sở y tế, giảm thiểu các tình huống khẩn cấp và cải thiện hiệu quả điều trị".

anh nho
Ứng dụng AI và robot trong phục hồi chức năng. Ảnh: BV Điều dưỡng phục hồi chức năng Trung ương.

Giảm tải cho ngành y tế

Trao đổi xung quanh việc ứng dụng AI trong y tế tại Việt Nam, TS.BS Nguyễn Đình Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đang từng bước áp dụng AI vào hệ thống y tế, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức về cơ sở hạ tầng và nhân lực. Một số bệnh viện lớn và trung tâm nghiên cứu đã tiên phong trong việc sử dụng AI để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và cải thiện quy trình quản lý bệnh nhân. Các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện K… đã sử dụng các hệ thống AI trong việc phân tích hình ảnh y khoa và hỗ trợ chẩn đoán. Các hệ thống này giúp bác sĩ phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư, bệnh tim mạch, và các bệnh lý thần kinh thông qua phân tích dữ liệu từ các hình ảnh X-quang, CT scan, và MRI. Ngoài ra, trong điều trị, nhiều bệnh viện như Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ đã triển khai sử dụng phần mềm IBM Watson for Oncology để giúp chẩn đoán, điều trị cho các bệnh nhân ung thư và đạt được những kết quả tốt. Ngoài ra, AI cũng được áp dụng trong việc quản lý hồ sơ bệnh án điện tử và tối ưu hóa quy trình chăm sóc bệnh nhân. Các hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể giúp dự đoán nhu cầu sử dụng giường bệnh, quản lý thuốc men, và điều phối lịch khám chữa bệnh, từ đó giúp bệnh viện hoạt động hiệu quả hơn.

Các chuyên gia cũng khẳng định, AI đã, đang và sẽ tiếp tục cách mạng hóa ngành y tế, mang lại những thay đổi sâu sắc trong việc chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân. Từ việc cá nhân hóa liệu pháp điều trị, phát triển dược phẩm, đến cải thiện quản lý bệnh viện, trí tuệ nhân tạo đã và đang mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành y tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. AI sẽ không thay thế hoàn toàn vai trò của bác sĩ và chuyên gia y tế, nhưng sẽ trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ, giúp tăng cường khả năng chẩn đoán và điều trị, từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân.

TS.BS Cầm Bá Thức - Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương:

Ngành chăm sóc sức khỏe được hưởng lợi từ việc sử dụng AI

ts bs

Có nhiều cách khác nhau mà AI có thể được sử dụng trong chăm sóc sức khỏe. Một cách là thông qua việc sử dụng các thuật toán học máy. Những thuật toán này có thể được sử dụng để dự đoán bệnh sẽ tiến triển như thế nào và xác định các phương pháp điều trị mới. Việc sử dụng AI trong chăm sóc sức khỏe có khả năng cách mạng hóa cách thức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Các giải pháp chăm sóc sức khỏe trong tương lai sẽ phụ thuộc nhiều vào AI. Bên cạnh đó AI cũng giúp cho việc theo dõi lâu dài tại cộng đồng các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường và giúp điều chỉnh liều thuốc cho những bệnh lý vừa nêu. Việc sử dụng nhận dạng giọng nói và văn bản sẽ tăng lên trong các lĩnh vực như giao tiếp với bệnh nhân và ghi chú lâm sàng, làm hồ sơ bệnh án.

Theo Đại Đoàn Kết

TCĐDVN