Cảnh giác khi massage giảm đau cổ vai gáy
Hiện nay số người bị bệnh cổ vai gáy ngày một nhiều, có xu hướng trẻ hóa. Các chuyên gia y tế cho rằng, khi bị đau cổ vai gáy nên tìm đến các bác sĩ vật lý trị liệu và phục hồi chức năng có uy tín, thay vì chữa tại các cơ sở massage.
Tránh làm tổn thương tủy sống
Mới đây, rộ lên thông tin một nữ ca sĩ ở Thái Lan đã qua đời ngày 8/12 với nguyên nhân được cho là do các biến chứng có thể liên quan đến chuỗi liệu pháp massage cổ vai gáy. Dẫu sau đó, Bộ Y tế Thái Lan bác bỏ, nhưng vẫn khiến nhiều người - nhất là "dân văn phòng" ở Việt Nam, không tránh khỏi lo lắng.
Theo thống kê, trong những bệnh nhân bị bệnh cổ vai gáy gần đây, số người làm nhân viên văn phòng mắc nhiều. Anh Trần Minh (33 tuổi), nhân viên của một ngân hàng trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: "Tôi thường đi massage cổ vai gáy mỗi tuần để giảm căng thẳng và đau nhức do ngồi làm việc nhiều giờ. Sau khi biết được thông tin nữ ca sĩ ở Thái Lan bị tử vong - dù có nguyên nhân chính hay nguyên nhân phụ từ việc massage tôi lập tức dừng lại việc làm này. Sắp tới tôi sẽ phải tìm cơ sở y tế an toàn hơn để điều trị trứng bệnh cổ vai gáy của mình".
Theo BS Trịnh Quang Anh - chuyên khoa phục hồi chức năng, khoa sản (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM), cổ là một bộ phận trọng yếu của cơ thể, tuy quan trọng nhưng lại yếu. Tủy cổ là nơi dẫn truyền thần kinh từ não xuống toàn bộ cơ thể. Các nhân viên massage tay ngang, thậm chí những người được đào tạo đang cố thể hiện mình là một nhà trị liệu bằng cách dùng lực mạnh để tạo ra tiếng kêu bẻ khớp, hoặc ấn sâu làm mạnh để trị đau cho bệnh nhân, thậm chí dùng búa gỗ gõ mạnh lên cột sống.
Các nguyên nhân này gây ra tổn thương tại các đốt sống như di lệch, vỡ, chèn ép, chảy máu, phù nề dẫn đến tổn thương tủy sống. Đặc biệt, trên người có bệnh nền thoái hóa thân đốt sống, loãng xương một chấn thương cột sống nhẹ cũng có thể là nguyên nhân gây tổn thương tủy nặng.
Hậu quả sẽ gây ảnh hưởng chức năng vận động và cảm giác tại vùng thần kinh chi phối, nặng hơn thì gây liệt, thậm chí liệt tứ chi hay toàn thân. Nếu tổn thương xảy ra tại vùng tủy cao (C3 trở lên) có thể gây tổn hại hệ thần kinh tim mạch, hô hấp dẫn đến tử vong.
Gia tăng người trẻ mắc bệnh đau mỏi vai gáy
Theo thống kê của ngành y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng người mắc bệnh cơ xương khớp ở mức cao, với hơn 30% người trên 35 tuổi và 60% người trên 65 tuổi. Những bệnh liên quan đến cơ xương khớp khá phổ biến như: Bệnh liên quan đến bàn tay, bàn chân, đau vai gáy, đau cột sống, thoát vị đĩa đệm, liệt nửa người do hậu quả của bệnh lý mạch máu não, đột quỵ… Bệnh không chỉ phổ biến ở người già mà tỷ lệ mắc ở người trẻ đang ngày một gia tăng.
PGS.TS Lê Mạnh Cường (Bệnh viện Tuệ Tĩnh) cho biết, hệ vận động hay cơ xương khớp rất ít khi được chú ý cho đến khi xuất hiện các dấu hiệu của lão hóa, người bệnh mới nhận ra bị các vấn đề cơ xương khớp gây giảm hiệu suất công việc và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, trong lối sống ngày nay, mọi người thường làm việc ngồi ở một vị trí trong nhiều giờ đồng hồ liền, khoảng 3-4 tiếng dễ gây ê cổ vai gáy và các khớp vận động trên cơ thể và cột sống. Tác động của của bệnh lý cơ xương khớp đến mỗi người có thể thay đổi với các triệu chứng nhẹ đến các rối loạn chức năng nghiêm trọng, thậm chí là di chứng tàn tật. Nó gián tiếp làm giảm chất lượng cuộc sống, giảm năng suất lao động, gây mất ngày công lao động và đẩy chi phí y tế tăng lên.
Riêng với chứng bệnh cổ vai gáy, các chuyên gia y tế cũng cho rằng, việc ngồi làm việc trước màn hình máy tính quá lâu, cúi gập cổ trong trong gian dài, dựa đầu vào ghế, nằm nghiêng và co quắp… có thể ảnh hưởng đến quá trình cung cấp ôxy và máu cho các cơ vùng cổ vai gáy. Đau cổ vai gáy là tình trạng cơ vùng vai gáy co cứng gây đau, kèm theo các hạn chế vận động khi quay cổ hoặc quay đầu.
Bệnh thường xuất hiện vào buổi sáng và có liên quan chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai gáy. Phòng bệnh bằng cách ngồi đúng tư thế, lưng thẳng, đầu thẳng, cố gắng đạt được tư thế 90-90-90. Khi đứng, lưng và đầu nên ở trên cùng một đường thẳng. Không nằm kê đầu cao, không duy trì tư thế cúi thường xuyên.
6 nhóm người cần đặc biệt tránh xa massage
Massage là một phương pháp thư giãn giúp giảm căng thẳng, đau nhức cơ thể và cải thiện lưu thông máu. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với việc massage, đặc biệt là những người có những vấn đề sức khỏe nhất định. 6 nhóm người không nên massage hoặc cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định thực hiện: Người có vấn đề về tim mạch; Người có bệnh lý về da hoặc nhiễm trùng; Người có rối loạn đông máu; Phụ nữ mang thai; Người có vấn đề về xương khớp; Người vừa trải qua phẫu thuật hoặc chấn thương.
Để giảm thiểu rủi ro khi massage cổ vai gáy, các bác sĩ lưu ý cần chọn các cơ sở massage có uy tín, kỹ thuật viên được đào tạo bài bản và có chuyên môn cao. Nếu thực hiện massage tại nhà, cần tránh dùng lực quá mạnh vào vùng cổ vai gáy. Thay vào đó, hãy nhẹ nhàng, thư giãn và theo hướng dẫn của chuyên gia. Nếu cảm thấy đau đớn hoặc có triệu chứng bất thường sau khi massage, cần ngừng ngay và tìm kiếm sự hỗ trợ y tế kịp thời.
Theo Đại Đoàn Kết