Củng cố, mở rộng mạng lưới phòng, chống ung thư
Ngày 5/12, tại Hội thảo hàng năm Phòng chống ung thư TPHCM lần thứ 27 – năm 2024, nhiều đại biểu khẳng định, bệnh ung thư đang trở thành gánh nặng và thách thức khi số người mắc bệnh ngày càng tăng.
Theo số liệu vừa được Globocan 2022 công bố đầu tháng 3 năm nay, trên toàn thế giới có khoảng 19,9 triệu ca mắc mới và 9,7 triệu ca tử vong. Tại Việt Nam có hơn 180.400 ca mắc mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. Ung thư là nguyên nhân tử vong sớm đứng hàng thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch.
Tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, ước tính năm 2024, bệnh viện đã tiếp đón hơn 880.000 lượt bệnh nhân đến khám bệnh. Số ca mắc mới ghi nhận trong năm 2024 là 41.758 ca, trong đó ung thư tuyến giáp chiếm tỷ lệ cao nhất (23,6%).
TS.BS Diệp Bảo Tuấn – Phó Giám đốc Điều hành Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 4.700 – 4.800 bệnh nhân đến khám. Trong đó có khoảng 1.000 – 1.100 bệnh nhân ngoại trú điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị. Số bệnh nhân nội trú khoảng gần 1.000.
Đề cập đến gánh nặng ung thư, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch danh dự Hội ung thư Việt Nam khẳng định: Bệnh ung thư không chỉ là gánh nặng cho Việt Nam mà cả thế giới đều phải đối mặt. Sự gia tăng nhanh chóng của bệnh ung thư phản ánh dân số lão hóa và lớn lên, do ảnh hưởng các yếu tố nguy cơ... Bên cạnh đó, thuốc lá và béo phì là các yếu tố chính làm gia tăng ung thư. Ngoài ra, những loại virus HPV, HBV, HCV... cũng là những sát thủ vô hình làm gia tăng bệnh ung thư. Vì vậy, cần phòng ngừa, chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh ung thư.
PGS.TS BS Nguyễn Anh Dũng – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ, số ca mắc mới có chiều hướng gia tăng nên không chỉ phòng ngừa mà phải điều trị và giảm nhẹ. Sở Y tế thành phố tăng cường công tác tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý ung thư, nhằm phát hiện ngày càng sớm những trường hợp ung thư để điều trị hiệu quả hơn, với thời gian ngắn hơn. Đầu tư phát triển các trang thiết bị hiện đại, chuẩn hóa nguồn nhân lực chuyên ngành ung bướu theo các cấp độ kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển hệ thống, kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu để nâng cao hơn nữa chất lượng khám và điều trị cho bệnh nhân.
Điển hình, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM tổ chức các chương trình tuyên truyền, khám sàng lọc để nâng cao nhận thức cộng đồng về phát hiện ung thư sớm, góp phần giảm tỷ lệ tử vong. Đồng thời, bệnh viện chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và năng lực y tế cho các bệnh viện trong khu vực và cả nước.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, mạng lưới phòng, chống ung thư tại 63 tỉnh, thành đã được mở rộng với 91 cơ sở khám và điều trị ung bướu, bao gồm 11 bệnh viện ung bướu, 22 trung tâm và 58 khoa ung bướu. Mạng lưới ghi nhận ung thư là công cụ quan trọng trong phòng chống ung thư. "Cần củng cố và mở rộng mạng lưới phòng, chống ung thư, đảm bảo thu thập dữ liệu chính xác từ các cơ sở y tế. Điều này giúp đánh giá đúng tình hình dịch tễ, xây dựng chiến lược can thiệp phù hợp và tăng cường đào tạo cho cán bộ y tế trong việc thu thập và xử lý dữ liệu. Mạng lưới này sẽ hỗ trợ cải thiện chính sách y tế và giảm thiểu tác động của ung thư đối với cộng đồng" - ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.
"
Các loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay ở nam giới: ung thư gan chiếm tỷ lệ cao nhất (19,7%), tiếp theo là ung thư phổi (17,7%) và ung thư dạ dày (11%). Ở nữ giới, ung thư vú chiếm tỷ lệ cao nhất (28,9%), ung thư phổi (8,7%), ung thư đại trực tràng (8,7%).
Theo Đại Đoàn Kết