Nan giải tình trạng kháng kháng sinh
Theo các chuyên gia y tế, tình trạng kháng kháng sinh đang đặt ra nhiều thách thức với nhân loại. Ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 700.000 người tử vong liên quan đến nhiễm trùng do kháng thuốc. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự tính đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm. Khi đó, các bệnh thông thường như ho hay chỉ một vết cắt cũng có thể gây tử vong.
Theo giới chuyên môn, kháng sinh được sử dụng để chống lại bệnh tật ở người, động vật và thực vật, bao gồm thuốc kháng vi khuẩn, thuốc kháng virus, thuốc kháng nấm và thuốc chống ký sinh trùng. Kháng kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn phản ứng với thuốc, làm cho các bệnh nhiễm trùng thông thường khó điều trị hơn và làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong. Tình trạng kháng kháng sinh hiện nay dẫn đến ngày càng có nhiều bệnh lý nhiễm trùng trở nên khó điều trị hơn hoặc thậm chí không thể điều trị được nữa.
Theo đánh giá của WHO, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao, do tình trạng lạm dụng và tùy tiện sử dụng thuốc của người dân. Kết quả khảo sát của ngành y tế cho thấy, phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn của bác sĩ, ở khu vực thành thị là 88%, ở nông thôn tới 91%. Vấn đề kháng thuốc kháng sinh đang ngày càng trầm trọng khi nhiều vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh mà nguyên nhân chính là do lạm dụng kháng sinh. Phần lớn các loại kháng sinh thuộc thế hệ 1 và thế hệ 2 hiện nay đều không có tác dụng đặc hiệu. Các bệnh viện hầu hết đều phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới trong điều trị.
TS.BS Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, mức độ kháng thuốc ở Việt Nam ngày càng trầm trọng và gây áp lực lớn lên sức khoẻ cộng đồng. Ngoài gánh nặng tài chính do việc điều trị kéo dài, chúng ta còn phải đối mặt với khả năng của một tương lai không có thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả đối với một số bệnh nhiễm khuẩn, nhất là đối với các phẫu thuật.
Theo các chuyên gia y tế, ở nước ta có nhiều loại vi khuẩn thông dụng, nguy hiểm, nhưng có tỷ lệ kháng thuốc cao đến rất cao, như nhóm vi khuẩn E.coli (vi khuẩn đường ruột), tỷ kháng thuốc lên tới 40%, thậm chí có địa phương lên đến 70%, kháng cả kháng sinh mạnh nhất là colistin, hay như vi khuẩn A.baumannii, vi khuẩn gây nhiễm khuẩn bệnh viện, tỷ lệ kháng với hầu hết các loại kháng sinh lên đến trên 90%.
Về vấn đề này, ông Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày bệnh viện này khám cho 3.000 - 4.000 trẻ nhỏ. Từ kết quả khám sàng lọc bệnh nhi đến khám và điều trị tại viện, có khoảng 30% bệnh nhi có vi khuẩn kháng thuốc. Một trong những nguyên nhân là do nhiều trẻ được các ông bố bà mẹ tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị với liều lượng kháng sinh không hợp lý.
Đồng quan điểm, GS.TS.Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng khi sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách, dùng thuốc sai liều, dùng thuốc không đủ thời gian…, thuốc kháng sinh sẽ thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn kháng thuốc. Điều này làm giảm hiệu quả của thuốc, thậm chí không thể chữa được các vết thương nhiễm khuẩn và các bệnh nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, việc lạm dụng kháng sinh dài kỳ còn gây hại cho vi khuẩn có lợi. Kháng sinh phổ rộng tiêu diệt cả vi khuẩn xấu và tốt. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, thuốc kháng sinh ngoài tác dụng chống lại nhiễm khuẩn nhưng cũng gây ảnh hưởng có hại trên nhiều cơ quan của cơ thể đặc biệt là thận và gan…
Giải pháp hạn chế?
Để phòng ngừa nguy cơ kháng thuốc kháng sinh, GS.TS. Nguyễn Gia Bình cho rằng, ngoài sự quy chuẩn của ngành y tế, người dân tuyệt đối không lạm dụng thuốc kháng sinh như một thuốc thông thường. Cần ngừng sử dụng kháng sinh khi đã đủ liệu trình cho phép nhưng cũng không được kết thúc quá sớm trước thời gian tiêu chuẩn. Tránh sử dụng kháng sinh mà không cần thăm khám.
Mới đây tại Hà Nội, đã diễn ra lễ ký Bản thỏa thuận Chương trình hợp tác tăng cường năng lực Hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc của các vi sinh vật tại Việt Nam năm 2024-2025, giữa Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Tổ chức FHI-360 tại Việt Nam (Tổ chức Sức khỏe Gia đình quốc tế). Trên cơ sở các văn bản đã ký, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và FHI 360 thống nhất hợp tác hướng tới mục tiêu trọng tâm là củng cố Hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc, giám sát sử dụng và tiêu thụ kháng sinh, từng bước triển khai các giải pháp để vượt qua các thách thức về kháng thuốc tại Việt Nam.
"
Theo giới chuyên môn, kháng kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn phản ứng với thuốc, làm cho các bệnh nhiễm trùng thông thường khó điều trị hơn và làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong.
TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh, kháng thuốc là mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển trên toàn cầu, đòi hỏi cần có các hành động đa ngành khẩn cấp, phù hợp để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố kháng thuốc là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu sức khỏe công cộng toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt. Việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của vi sinh vật kháng thuốc.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 25/09/2023. Chiến lược là nền tảng để triển khai các giải pháp, hành động để đạt được mục tiêu giảm tình trạng kháng thuốc.
TS Hà Anh Đức cũng cho biết, Bộ Y tế đã và đang phối hợp các cơ quan, tổ chức, đối tác trong nước và quốc tế triển khai nhiều hành động về phòng, chống kháng thuốc như truyền thông, nâng cao nhận thức người dân về nguyên nhân và hậu quả kháng kháng sinh; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn bác sỹ, dược sỹ về chẩn đoán, điều trị, kê đơn kháng sinh hợp lý và có trách nhiệm; thiết lập và củng cố Hệ thống giám sát quốc gia về kháng kháng sinh; xây dựng và triển khai chương trình quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện; giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện; xây dựng các văn bản pháp quy, hướng dẫn chuyên môn về điều trị, vi sinh, dươc lâm sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn…
Về vấn đề này, TS Nguyễn Thu Nam, Trưởng đại diện Văn phòng tổ chức FHI360 tại Việt Nam chia sẻ, Việt Nam là một trong những quốc gia phải đối mặt với tình trạng kháng thuốc ở mức độ cao nhất thế giới. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi chúng ta cần phát triển những chiến lược giám sát và kiểm soát hiệu quả, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. người bệnh chỉ dùng kháng sinh điều trị khi chắc chắn nhiễm khuẩn, không dùng bao vây; Chọn kháng sinh theo kháng sinh đồ trong mọi trường hợp có thể, ưu tiên kháng sinh phổ hẹp, đặc hiệu; Dùng kháng sinh đúng liều lượng, đủ về thời gian và phối hợp kháng sinh hợp lý; Tuân thủ các biện pháp khử khuẩn và vô khuẩn, tránh lan truyền vi khuẩn đề kháng; Giới thiệu, tuyên truyền cho cộng đồng biết về lợi ích và nguy cơ của kháng sinh; Tăng cường hệ thống quản lý và phân phối kháng sinh, kiểm soát và hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi …
Theo Đại Đoàn Kết