Sản phẩm OCOP Thanh Hóa hướng đến thị trường quốc tế: Chất lượng là "chìa khóa vàng"
Chiều 6/8, Báo NTNN/Dân Việt phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức Tọa đàm trực tuyến: "OCOP Thanh Hóa - Từ nội địa hướng đến thị trường quốc tế".
Sau gần 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tính đến nay, Thanh Hóa có 517 sản phẩm OCOP đã được công nhận. Trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 57 sản phẩm 4 sao, 459 sản phẩm 3 sao thuộc 304 xã, phường, thị trấn; 384 chủ thể (76 doanh nghiệp, 116 hợp tác xã, 11 tổ hợp tác, 181 hộ sản xuất kinh doanh).
Tọa đàm trực tuyến "OCOP Thanh Hóa - Từ nội địa hướng đến thị trường quốc tế" nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn phát triển sản phẩm OCOP, đánh giá cơ hội và thách thức trong việc mở rộng ra thị trường quốc tế.
Tọa đàm còn tập trung tìm kiếm giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu. Đồng thời, tạo cơ hội kết nối giữa các chủ thể OCOP, nhà quản lý, lãnh đạo và tổ chức hỗ trợ, mở rộng mối quan hệ đối tác. Cuối cùng, tăng cường nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của OCOP và tiềm năng xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế địa phương và quảng bá văn hóa xứ Thanh.
11 khách mời tham dự Tọa đàm trực tuyến gồm:
1. Ông Trần Bình Quân - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa;2. Ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa;
3. Ông Phạm Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa);
4. Ông Phan Xuân Hùng - Trưởng phòng Quản lý chương trình OCOP (thuộc Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa)
5. Ông Đào Ngọc Nam - Chủ tịch Tập đoàn An Việt;
6. Ông Lê Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại Lê Gia (chủ thể OCOP 5 sao);
7. Ông Lê Đình Tú - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Nông lâm nghiệp Bình Sơn;
8. Ông Nguyễn Thế Hoàng - Giám đốc Hợp tác xã Chế biến Thủy sản Hải Bình;
9. Ông Phạm Văn Tiến - Giám đốc Công ty TNHH XR Tấn Lộc Tài;
10. Ông Phạm Huy Hùng - Giám đốc Công ty CP Phát triển Lam Kinh (nem Vị Thanh);
11. Bà Phùng Thị Hoa - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần Dược thảo Đăng Khoa.
Nhà báo Trần Ngọc Thọ - Trưởng VP đại diện BMT Báo NTNN/Dân Việt
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ diễn ra Tọa đàm trực tuyến OCOP Thanh Hóa - Từ thị trường nội địa hướng đến thị trường quốc tế với sự tham dự đông đảo của các khách mời là nhà quản lý, lãnh đạo địa phương, chủ thể OCOP, doanh nghiệp tiêu thụ... nhiều vấn đề về câu chuyện phát triển sản phẩm OCOP, đánh giá những cơ hội và thách thức trong việc mở rộng sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế; kết nối và hỗ trợ giữa các chủ thể OCOP, nhà quản lý, lãnh đạo và tổ chức hỗ trợ, nhằm mở rộng mối quan hệ đối tác và tăng cường hỗ trợ từ chính quyền; nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của OCOP và tiềm năng xuất khẩu, góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương và quảng bá văn hóa xứ Thanh; chính sách và hỗ trợ, quảng bá và xúc tiến, phát triển OCOP gắn với quảng bá văn hóa, du lịch... nhiều câu chuyện đã được chia sẻ, những niềm vui lẫn trăn trở cũng được chia sẻ.
Qua tọa đàm trực tuyến, ban tổ chức mong muốn cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo chính quyền địa phương... tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các chủ thể OCOP, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Các chủ thể OCOP tiếp tục phát huy thành quả của mình để duy trì, nâng tầm về giá trị, chất lượng, tăng về số lượng. Qua đó góp phần làm giàu cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Ban Tổ chức chúc quý vị khách mời tham dự trực tuyến sức khỏe, thuận lợi, thành công. Xin chân thành cảm ơn!
Ông Trần Bình Quân - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa: Tiếp tục đồng hành cùng chủ thể, hội viên nông dân
Trong thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền, giáo dục hội viên, nông dân học tập nâng cao kiến thức; tổ chức đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật; vận động, hướng dẫn nông dân tiếp cận với sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; tiếp tục thực hiện Đề án "Đưa doanh nghiệp về với nông nghiệp, nông dân, nông thôn".
Ông Trần Bình Quân - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa.
Tập trung xây dựng người nông dân có văn hóa với lối sống lành mạnh, có lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, có kiến thức về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, xã hội, pháp luật, thị trường và hội nhập. Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào thi đua SXKD giỏi, nâng cao chất lượng sản phẩm và chế biến, tiêu thụ nông sản theo hướng hàng hoá, đảm bảo VSATTP, BVMT; tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường và hội nhập quốc tế.
Thành lập các tổ, nhóm liên kết nông dân SXKD giỏi theo ngành nghề, lĩnh vực; thông qua công tác đào tạo, dạy nghề bồi dưỡng những nông dân SXKD giỏi làm nòng cốt để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hình thành mới HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp nông nghiệp.
Để phát triển các sản phẩm OCOP bền vững, hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã thành lập được 111 Chi hội nông dân nghề nghiệp với 1.616 hội viên tham gia và 1.122 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 10.098 hội viên tham gia ở nhiều ngành nghề khác nhau. Phát triển kinh tế tập thể được các cấp Hội xác định là một trong những hướng đi chủ đạo, dẫn dắt các phong trào phát triển kinh tế nông nghiệp.
Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP, trọng tâm là tăng cường rà soát, khuyến khích, hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình, đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt. Sản phẩm OCOP đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần giúp chủ thể tăng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp sản phẩm mới, thực hiện tư vấn hoàn thiện sản phẩm về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, hồ sơ sản phẩm để đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện, tỉnh. Tăng cường công tác quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tập trung thực hiện tốt chủ trương phát triển sản phẩm, dịch vụ phải đi liền với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp như hợp tác xã, tổ hợp tác để kích thích quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, nâng cao hiệu quả chương trình OCOP, giúp tăng thu nhập và phát triển đời sống của người sản xuất.
Ông Phan Xuân Hùng - Trưởng phòng Quản lý chương trình OCOP (thuộc Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa)
Có nhiều nét đặc trưng về địa hình, khí hậu nên Thanh Hóa có rất nhiều sản vật, đặc sản mang tính vùng miền độc đáo. Trong thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Thanh Hóa luôn chú trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm gắn với lợi thế bản địa, từ đó thúc đẩy kết nối thị trường, tạo sự phát triển bền vững cho từng sản phẩm.
Với mục tiêu phát triển kinh tế vùng nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị cho các sản phẩm thế mạnh, ngay từ khi triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã xác định phải đặc biệt coi trọng yếu tố chất lượng sản phẩm gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế và cả nét văn hóa, phong tục tập quán sản xuất của người dân các địa phương.
Các nhà sáng tạo nội dung tham gia phiên livestream "Chợ phiên OCOP Thanh Hóa". Ảnh: D.T
Theo đó, có khoảng 95% sản phẩm OCOP được đưa lên giới thiệu và bán trên các sàn thương mại điện tử như postmart.vn, voso.vn, shopee, lazada, alibaba và các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok. Đặc biệt, với mục tiêu nâng tầm sản phẩm OCOP trên thị trường, các sở, ngành, địa phương đã thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm đã có thông qua các hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, học tập kinh nghiệm.
Đồng thời, tập trung xây dựng các dự án liên kết chuỗi đối với các sản phẩm OCOP chủ lực, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm nói riêng và hệ sinh thái sản phẩm OCOP Thanh Hóa nói chung.
Ðể phát triển sản phẩm OCOP bền vững, trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chú trọng việc chuyển giao và ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm...
Tăng cường hỗ trợ các cơ sở, chủ thể OCOP phát triển, hoàn thiện sản phẩm và chuẩn hóa hồ sơ, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện truyền thông, tăng cường kết nối giao lưu tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh... Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị kinh tế của các sản phẩm OCOP.
Ông Đào Ngọc Nam - Chủ tịch An Việt Group: An Việt vui khi được đồng hành cùng nông dân
Tôi trân trọng mời đại diện các đơn vị sản xuất các sản phẩm OCOP để chúng ta có thể chia sẻ sâu hơn về sản xuất và tiêu thụ nông sản. An Việt Group còn có thế mạnh về công nghệ thông tin khi có viện trí tuệ nhân tạo tư nhân đầu tiên thuộc Tập đoàn.
Theo Dân Việt